• :
  • :

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ

Sáng 9-8, để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không”.

Bảo đảm yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống

Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo tọa đàm. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì tọa đàm.

Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo tọa đàm. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng không nhân dân. Trong đó có nội dung về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và cho nhiều ý kiến, với đề nghị cần tập trung luật hóa những nội dung đã được thực hiện ổn định, hiệu quả gắn với yêu cầu thực tiễn; đồng thời quy định bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan; bảo đảm yêu cầu tác chiến trong mọi tình huống, nhưng cũng bảo đảm hài hòa với lợi ích và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tọa đàm nhằm mục đích có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc để Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 (tháng 8-2024); đồng thời cung cấp thông tin cho các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình cho ý kiến, xem xét thông qua dự thảo luật quan trọng này.

Quy định chặt chẽ để phục vụ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và dân sự

Tại tọa đàm, ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, góp ý một số vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo luật. Đó là, tập trung góp ý về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc chuyển nội dung này từ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sang Luật Phòng không nhân dân; quy định tại Điều 53 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến phòng không nhân dân”; khái niệm về tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (tính khoa học, pháp lý, thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế…).

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Đồng thời, các đại biểu góp ý về các quy định nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Các đại biểu nhấn mạnh, quản lý nhà nước về tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ là nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, do vậy cần có sự nghiên cứu sâu, thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có tính dự báo cao trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và cả trong lĩnh vực dân sự.

Có ý kiến lưu ý, thời gian qua đã diễn ra rất nhiều lễ hội bay khinh khí cầu, trong khi đó đây cũng là một phương tiện bay, do đó, cần được quan tâm, quản lý loại hình bay này trong dự thảo luật. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc phát triển ngành chế tạo máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đây cũng là xu thế của nền công nghiệp 4.0; xử lý khi xảy ra tai nạn đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ…

 Đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, tiếp tục làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của Luật Phòng không nhân dân, luật hóa Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.

Lưu ý, tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đã trở nên phổ biến không chỉ trong lĩnh vực dân sự, mà còn trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh (có thể tấn công bất cứ đâu, bất cứ lúc nào), thậm chí có trường hợp phương tiện dân sự là tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được cải hóa, được giao nhiệm vụ; phương tiện tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ là vũ khí quân sự dùng cho mục đích quân sự, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta không chỉ phòng không trong thời chiến mà còn phòng không trong thời bình, nhằm bảo vệ vùng trời, bảo vệ đời sống của người dân”.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu, làm rõ điều kiện khai thác bay, thẩm quyền cấp phép theo hướng căn cứ vào mục đích bay, phạm vi bay, tính năng, chiến thuật của từng loại phương tiện, mức độ rủi ro, khả năng chế áp đối với phương tiện… Nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Đồng thời xem xét có loại tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nào được miễn cấp phép để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội nhưng cũng phải bảo đảm phương tiện này không được sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh.

VŨ DUNG

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...