• :
  • :

Nghị sĩ Nhật Bản kêu gọi Mỹ xin lỗi về vụ ném bom nguyên tử

Nghị sĩ Nhật Bản Muneo Suzuki đã lên tiếng kêu gọi Mỹ xin lỗi vì vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của nước này cách đây gần 80 năm.

Sputnik ngày 9-8 dẫn lời Thượng nghị sĩ Muneo Suzuki cho biết năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã được tổ chức thành phố Hiroshima. Lẽ ra khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thừa nhận việc Washington sử dụng vũ khí hạt nhân là một sai lầm và "đáng lẽ ông ấy phải nói lời xin lỗi từ đáy lòng mình". Thượng nghị sĩ Muneo Suzuki nêu rõ, gần 80 năm đã trôi qua kể từ sau vụ ném bom nguyên tử đến nay, nước Mỹ "vẫn chưa có lần nào nói lời xin lỗi"; nhấn mạnh "họ cần phải xin lỗi".

Ngày 6-8-2024, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến thăm một viện dưỡng lão, nơi chăm sóc những người còn sống sót sau vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima. Ảnh: japan.kantei.go.jp

Hồi tháng 5-2023, các nhà lãnh đạo G7 đã khẳng định cam kết hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân thông qua một chuyến thăm chung chưa từng có tiền lệ tới Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima-nơi trưng bày các hiện vật liên quan tới vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cách đây 79 năm, vào ngày 6-8-1945, Mỹ đã ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, khiến 78.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Tới ngày 9-8-1945, Mỹ lại ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, khiến 27.000 người thiệt mạng ngay tức thì. Khoảng 400.000 người đã chết sau đó vì các căn bệnh liên quan đến nhiễm phóng xạ và các vết thương do hai quả bom nguyên tử của Mỹ gây ra.

Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố, Nhật Bản-quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong chiến tranh-sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Cho rằng nỗ lực này ngày càng gặp nhiều khó khăn do mối đe dọa hạt nhân hiện hữu cũng như sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế liên quan tới việc giải trừ hạt nhân, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định việc “hồi sinh động lực quốc tế” hướng tới hiện thực hóa một thế giới phi hạt nhân “càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.

VŨ HOÀNG

Tags: Nhật Bản