• :
  • :

Trò ảo thuật “bia kèm lạc”

Kết thúc buổi học chiều thứ sáu, hàng trăm học sinh của một trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội được nhà trường tặng vé miễn phí đi xem buổi biểu diễn xiếc tổ chức vào 20 giờ chủ nhật.

Trên chiếc vé in dòng chữ nổi bật “Đón xem đêm hội xiếc người - xiếc thú” kèm theo nhiều hình ảnh tiết mục xiếc vô cùng bắt mắt, cạnh đó là những lời quảng cáo: “Hãy đến để thưởng thức những điều kỳ diệu”, “Chọn lọc các tiết mục xuất sắc”, “Quy tụ các tiết mục xiếc ở đẳng cấp rất cao”, “Chương trình do thế hệ vàng xiếc Việt Nam trình diễn”.

Một chương trình biểu diễn xiếc thú. Ảnh minh họa: baodantoc.vn 

Quả thật, nhìn những hình ảnh nhân vật ngộ nghĩnh được thiết kế trên chiếc vé như: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới; những tiết mục xiếc nhào lộn điêu luyện; những hình tượng nhân vật từ cuốn truyện tranh nổi tiếng “Bảy viên ngọc rồng”... bất cứ đứa trẻ nào cũng tò mò, thích thú.

Chương trình xiếc diễn ra buổi tối, đa số các cháu đi xem đều có bố mẹ, anh chị lớn đi kèm. “Nhà xiếc” tặng vé miễn phí cho trẻ em nhưng phụ huynh muốn vào sân cùng con em mình thì phải bỏ ra 80.000 đồng mua vé; xe máy gửi ngoài sân giá 10.000 đồng/vé; vào sân lại phải thuê mỗi chiếc ghế nhựa 10.000 đồng/chiếc.

Đối với mỗi phụ huynh, tốn kém khoảng 100.000 đồng mà được thưởng thức những tiết mục xiếc đặc sắc cũng chẳng đáng là bao, miễn là con em mình được vui vẻ. Tiếng loa inh ỏi mời gọi khán giả vào sân, tiếng nhạc xập xình chát chúa, đèn xanh đỏ loè loẹt quay tứ phía, trong khi khán giả nam phụ lão ấu phải chờ đợi đến 20 giờ 30 phút thì chương trình mới bắt đầu.

Đôi tiết mục khởi đầu như chú khỉ đi xe đạp, mấy chú chó chạy nối đuôi nhau và nhảy qua chiếc vòng... cùng với những lời hoạt náo viên liến thoắng, hài hước cũng tạo ra tiếng cười vui nhộn cho trẻ nhỏ. Khi đến tiết mục ảo thuật biến cái khăn tay thành con chim bồ câu, biến tờ giấy trắng thành đồng tiền... thì không khí dần chùng xuống.

Như để hâm nóng khán giả nhí, một người trong trang phục đóng vai Tôn Ngộ Không múa gậy nhắng nhít trên nền bản nhạc phim Tây Du Ký và miệng liên tục mời gọi các khán giả nhí mua cuốn sách nhỏ tập làm ảo thuật “siêu đẳng” với giá 10.000 đồng/cuốn. Phía dưới sân, một thanh niên tóc vàng, quần ngố tay giơ sách lên cao với giọng điệu liên thanh như bán báo: “Mua nào, nhanh tay kẻo hết. Giá chỉ mười ngàn, tập làm ảo thuật gia nào!”.

Xem khoảng được 30-45 phút, thấy chương trình xiếc dần nhạt nhẽo, vô duyên, nhiều phụ huynh cảm thấy ngán ngẩm nên dắt con em ra về. Khoảng một tiếng sau thì sân đã vơi đi hơn nửa khán giả.

Chương trình xiếc được quảng bá rầm rộ, nào là “tiết mục xiếc xuất sắc”, “đẳng cấp rất cao”, “thế hệ vàng xiếc Việt Nam trình diễn” mà loanh quanh có dăm bảy tiết mục cũ kỹ, nhàm chán do một gánh xiếc rong nhai lại các tiết mục của những đoàn xiếc nổi tiếng. Thế nên, nhiều phụ huynh than phiền: “Biết thế này thì cho con em ở nhà mở điện thoại xem các tiết mục xiếc trên YouTube còn hay hơn”.

Trách gánh xiếc kia một phần vì đã khuếch trương, diễn không hay như quảng cáo, khiến nhiều khán giả hụt hẫng, nhưng đáng trách hơn là ban giám hiệu trường tiểu học đã làm “bà đỡ” để gánh xiếc diễn trò ảo thuật theo kiểu “bia kèm lạc”, khiến đông đảo học sinh và phụ huynh không được thưởng thức một chương trình nghệ thuật xiếc ý nghĩa, lành mạnh. 

TÂN XUYÊN

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết