• :
  • :

Xa hiện thực đời sống, tác phẩm sẽ nhạt nhẽo

Nhiếp ảnh ra đời nhằm thể hiện hiện thực khách quan dưới con mắt mỹ cảm của nhà nhiếp ảnh. Vì vậy, các nhà lý luận phê bình ảnh khẳng định rằng “nhiếp ảnh đánh mất hiện thực thì không còn là nhiếp ảnh, mà chỉ là một trò chơi ánh sáng”.

Nhiếp ảnh phải được mô tả thực như vốn nó có (không dàn dựng, thêm bớt) với con mắt nghệ thuật. Nếu không, tất cả đều đi vào quên lãng, bởi những tác phẩm ấy không phản ánh được thực tế khách quan cuộc sống xã hội mà được thể hiện xuất phát từ ý muốn chủ quan của người nghệ sĩ.

Nhớ lại trước thời kỳ đổi mới, hội nhập, chúng ta càng tự hào bởi nhiếp ảnh Việt Nam có tiếng vang khắp năm châu bốn bể, tuy số lượng giải thưởng trong nước cũng như quốc tế không nhiều như hiện nay nhưng giá trị nghệ thuật và nội dung tác phẩm được bạn bè đồng nghiệp đánh giá rất cao. Nhiều tác phẩm trở thành những mốc son lịch sử, có sức lan tỏa lớn và sống mãi với thời gian. Đó là các tác phẩm: “Mẻ gang đầu” (Trần Chính); “Buổi sáng” (Đinh Đăng Định); “Chống úng” (Đức Như); “Được mùa” (Trịnh Hải); “Đường dây về xã” (Văn Cúc); “Trong lò nung xi măng” (Lê Minh Trường); “Trên công trường mỏ than Đèo Nai” (Minh Lộc); “Lớp học ban đêm” (Đức Vân); “Như mẹ hiền” (Đan Quế)... Đặc biệt là những bức ảnh phản ánh quân dân hai miền Nam-Bắc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đã trở thành những tác phẩm lừng danh thế giới: “Chạy đâu cho thoát” (Mai Nam); “O du kích nhỏ” (Phan Thoan); “Hiên ngang” (Vũ Tạo); “Trên đường hành quân” (Thái Ngọc Linh); “Đội dân phòng phố tôi” (Minh Sơn); “Mười hai cô gái Ngã ba Đồng Lộc” (Văn Sắc)...

Tác phẩm "Chống úng". Ảnh: ĐỨC NHƯ 

Sở dĩ đạt được những thành tựu trên, nhiều người cho rằng bởi xưa kia có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc; bởi cuộc sống, chiến đấu và lao động sản xuất của quân dân ta là mảnh đất tốt cho các nghệ sĩ sáng tạo. Nhận định như vậy chỉ đúng một phần. Như mọi người đều biết, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, cuộc sống của người nông dân trở lại bình thường, vẫn “con trâu đi trước cái cày đi sau”, vẫn ruộng đồng, bờ mương ấy... Nhưng người nghệ sĩ đã đi sâu vào cuộc sống xã hội, đã tìm thấy cái vĩ đại trong cái bình thường. Đó là những công việc thường ngày, không phải là sự kiện lớn, nhưng với trái tim nồng cháy, với đôi mắt tinh đời, say sưa với nghề, người nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm để đời.

Lại có ý kiến cho rằng ngày nay không có những sự kiện lớn xảy ra. Xin thưa, có đấy. Nhưng tiếc rằng người cầm máy ảnh đã bỏ lỡ thời cơ. Đó là nhiệm vụ bảo vệ biên cương, hải đảo; là cuộc đấu tranh của các lực lượng với tội phạm ma túy xuyên quốc gia; là những trận thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn, dịch bệnh... Nhưng trong các cuộc triển lãm, thường chỉ thấy hình ảnh rất nhạt nhẽo như: Các đoàn công tác trao tặng người dân thùng mì tôm mà thiếu đi cảnh những em bé, cụ già chới với giữa dòng nước hung dữ đang cuồn cuộn cuốn trôi mọi thứ, trong tiếng kêu la thảm thiết. Mấy ai dám xông ra ghi lại hình ảnh ấy?

Xa rời đời sống, thiếu sự dấn thân là nguyên nhân chính khiến ít có tác phẩm ảnh để lại dấu ấn trong lòng người xem.

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh TRẦN MẠNH THƯỜNG

Tags: tác phẩm
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...