• :
  • :

Chiêm nghiệm sâu sắc về chiến tranh

“Bất chợt mai vàng” (Nhà xuất bản Văn học, 2023) là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là tác phẩm nằm trong chương trình đầu tư sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng. Cuốn sách cũng đã được vinh danh là một trong 10 cuốn sách nổi bật năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố.

Cuốn sách gồm hai truyện dài “Bất chợt mai vàng” và “Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót”. Là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, hẳn nhiên hai thiên truyện sẽ không thể thiếu những trang viết miêu tả đau thương trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc ở thế kỷ 20. Những mất mát này cùng những bi kịch thời bình được Nguyễn Trí Huân miêu tả với ngòi bút điềm tĩnh.

Điều ông chú tâm là cái gì còn lại sau những đau thương, mất mát ấy. Sau mất mát, đau thương là tình người trong hoạn nạn, là nghị lực vươn lên trong cuộc sống (trường hợp vợ chính ủy trong “Con họa mi lông xù vừa bay vừa hót”); là tủi hổ, ân hận như lão Tuân nhưng cũng có thể là cơ hội, là trục lợi (lão Vãn trong “Bất chợt mai vàng”)...

Bìa cuốn sách

Ngòi bút của Nguyễn Trí Huân cho chúng ta thấy cuộc sống vẫn vận động theo quy luật của nó ngay cả trong chiến tranh. Cuộc sống bao trùm lên chiến tranh và chiến tranh chỉ là một phần của cuộc sống. Con người ngay từ khi sinh ra đã bắt đầu lao vào cuộc chiến “với trời - chính bản thân” nhằm sinh tồn và truy cầu hạnh phúc.

Vậy nên thay vì ngợi ca hay phê phán, phấn khích hay sợ hãi, hãy chỉ nên coi đó là việc “bất chợt” (chứ không bất ngờ) có thể xảy ra của đời người, của xã hội như ngẫm ngợi của ông cuối truyện “Bất chợt mai vàng”: “Ngẫm ra, cuộc đời con người là sự xâu chuỗi của những điều bất chợt. Bất chợt vui, bất chợt buồn, bất chợt sống, chết, bất chợt bạn bè... Nhưng sẽ chẳng có sự bất chợt nào đáng kể hơn sự bất chợt mai vàng trước cửa nhà tôi”.

Những nhân vật quan trọng nhất trong hai thiên truyện là những người lính. Họ có xuất thân đa dạng, từ nông dân như tướng Phong, con nhà cơ bản như Tuân, thành phần trí thức tiểu tư sản như vị chính ủy, hay gia đình lý lịch có vấn đề như Kháng hoặc có truyền thống cách mạng như Hương. Trong 3 cuộc chiến người lính phải đương đầu, cuộc chiến nội tâm là dai dẳng, phức tạp nhất.

Ở cuộc chiến này, các mâu thuẫn nội tâm của nhân vật dồn lại trên 3 trục chính: Tình yêu, tình đồng đội và quan hệ dòng tộc. Những chuyện yêu đương thời chiến tranh thì người trong cuộc phải trải qua những giây phút đấu tranh quyết liệt để không đi quá xa đến mức không thể cứu vãn được.

Như trong truyện dài “Bất chợt mai vàng”, Tuân vừa ghét Kháng (vì có tình yêu của Hương), vừa cảm ơn và mến phục Kháng (vì đã cứu mình). Sau cùng, hành động đi đánh trận thay và sự hy sinh của Kháng đã khiến Tuân phải dằn vặt suốt đời. Bao năm Tuân không dám đến gặp gia đình Kháng để nói một lời cảm ơn, một lời xin lỗi mà chỉ dám gửi tặng cây mai vàng như một tín hiệu cầu mong sự tha thứ, chia sẻ.

Những người lính cách mạng trong hai thiên truyện, họ hiện lên với đầy đủ những phẩm chất, những mặt được và hạn chế của con người. Họ là đại diện tiêu biểu và có thẩm quyền phát ngôn về chiến tranh và thời đại mình sống. Với tác phẩm “Bất chợt mai vàng”, Nguyễn Trí Huân một lần nữa xác tín về điều ấy.          

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết