• :
  • :

Tôi luyện ý chí trong gian khó làm nên phẩm chất kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ

Ý chí thép được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội gìn giữ, hun đúc trong suốt 80 năm qua trở thành phẩm chất đặc trưng tiêu biểu.

Ý chí thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng, Bác Hồ, Quân đội và sự động viên, khích lệ của nhân dân. Người chiến sĩ cầm súng chiến đấu là nhờ có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, có bản lĩnh kiên định, có trình độ chuyên môn tinh thông. Đó là những con người “chân trần, chí thép”, bên ngoài giản dị, hiền hòa nhưng chất chứa bên trong là chí thép vững vàng, gian khó không sờn lòng, hiểm nguy không nản chí, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.

Bền bỉ tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản"

Ngay từ khi nhập ngũ, lời thề vang vọng trong huyết quản của mỗi quân nhân là “rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí”. Ý chí của Bộ đội Cụ Hồ được biểu hiện là tinh thần chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Lý tưởng cao đẹp, nhân văn và chính nghĩa đó đã bồi đắp ý chí người chiến sĩ thêm vững vàng, không bị dao động, lung lay trước mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy.

Khi nhắc tới Bộ đội Cụ Hồ nói chung và những phi công quân sự nói riêng, tôi cho rằng, ý chí kiên định, vững vàng là một phẩm chất vô cùng đáng quý, đó là tài sản tinh thần của những người ra đi chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Huấn luyện hiệp đồng đổ bộ đường không giữa Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147, Vùng 1 Hải quân (Quân chủng Hải quân) với Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Ảnh: XUÂN THÌN 

Ý chí quyết tâm cao đã tạo thành sức mạnh để biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương ra quân đánh thắng trận đầu ngày 3-4-1965. Hay phi công Hà Văn Chúc một mình với máy bay MiG-21 dám đương đầu với 36 máy bay Mỹ, bắn hạ 1 máy bay, làm tan rã đội hình, thủ tiêu ý đồ ném bom vào Hà Nội. Ý chí thép đã tạo nên thành công, để phi công Nguyễn Văn Cốc bắn hạ 9 máy bay địch-một kỳ tích hiếm có trên thế giới. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo máy bay bị thương, hết dầu, được lệnh nhảy dù nhưng phi công Đỗ Văn Lanh quyết tâm hạ cánh để bảo vệ máy bay và tiếp tục chiến đấu. Với tinh thần quả cảm, phi công Vũ Xuân Thiều sẵn sàng lao máy bay vào hạ gục “pháo đài bay” B-52 của giặc Mỹ xâm lược. Kể lại một vài anh hùng trong số hàng triệu chiến sĩ mang trong mình phẩm chất anh hùng để thấy rằng, ý chí thép là một phẩm chất vô cùng đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ.

Thử thách trong chiến tranh vô cùng khắc nghiệt. Ranh giới tử-sinh rất mong manh. Với người phi công chúng tôi thời chiến tranh, đã cầm cần lái cất cánh thì không hề sợ hy sinh. Ngày đó, cuộc chiến đối không vô cùng khốc liệt. Máy bay địch hiện đại, tối tân, số lượng đông, phi công địch dạn dày kinh nghiệm. Trong khi Không quân nhân dân Việt Nam non trẻ, phi công mới đào tạo từ nước ngoài trở về. Biết bao thử thách đặt ra, nhưng không vì thế mà không dám đánh. Biết là có hy sinh, nhưng không sợ hy sinh, vì Tổ quốc, vì chiến thắng, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi cất cánh chiến đấu bằng hiểu biết, trình độ và cao hơn cả là ý chí quyết tâm chiến đấu không sợ hy sinh, gian khổ.

Ý chí quyết tâm còn thể hiện ở sự mưu trí, sáng tạo. Thực tế trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972, Mỹ sử dụng siêu “pháo đài bay” B-52 ném bom đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Khi bay, đội hình có hàng chục máy bay hộ tống B-52 gây nhiễu nên ta rất khó phát hiện. Trong khó khăn ngặt nghèo buộc ta phải tìm cách đánh để hạ gục B-52 trên bầu trời Thủ đô. Sau nhiều lần cất cánh chiến đấu và rút kinh nghiệm, chúng ta quyết định đưa máy bay tiêm kích ra xa Hà Nội, sử dụng các đài dẫn đường từ xa để chỉ huy máy bay tiêm kích vào công kích B-52 nhằm hạn chế nhiễu. Đây là sự thay đổi chiến thuật quan trọng, thể hiện sự sáng tạo trong cách đánh của Bộ đội Không quân Việt Nam. Nhờ vậy, tôi đã tiếp cận và tiêu diệt được B-52, góp vào thành tích chung của quân và dân ta trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không” năm 1972 lịch sử.

Ý chí trong chiến đấu biểu hiện ở tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng. Tuy nhiên, ý chí không phải tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện kiên quyết và bền bỉ. Đó là kết quả của quá trình nhận thức, giáo dục, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc trong thực tiễn hoạt động của mỗi người. Rèn luyện ý chí thép phải có mục tiêu cụ thể, có phương pháp khoa học, có thời gian tích lũy, kiên trì và nhẫn nại. Thực tế chiến đấu là môi trường và bài học sinh động để bộ đội rèn luyện, mài sắc ý chí chiến đấu. Khi ý chí được rèn giũa trở thành một phẩm chất đặc biệt sẽ tạo nên sức mạnh vô song, cũng giống như nhà văn Xô viết Nikolai Alekseyevich Ostrovsky (1904-1936) từng viết: “Thép đã tôi trong lò lửa và nước lạnh. Từ đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”.

Tiếp tục tôi rèn ý chí thép, làm sáng đẹp phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Ý chí thép được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội gìn giữ, hun đúc trong suốt 80 năm qua trở thành phẩm chất đặc trưng tiêu biểu. Ý chí thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng, Bác Hồ, Quân đội và sự động viên, khích lệ của nhân dân. Người chiến sĩ cầm súng chiến đấu là nhờ có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, có bản lĩnh kiên định, có trình độ chuyên môn tinh thông. Đó là những con người “chân trần, chí thép”, bên ngoài giản dị, hiền hòa nhưng chất chứa bên trong là chí thép vững vàng, gian khó không sờn lòng, hiểm nguy không nản chí, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.

Ý chí thép là phẩm chất kết tinh từ quá trình rèn luyện, trải nghiệm từ hoạt động khó khăn, gian khổ trong môi trường quân ngũ và trong thực tế huấn luyện, chiến đấu, công tác trên mọi lĩnh vực. Trong điều kiện tác chiến hiện nay, nhiều yếu tố phi truyền thống xuất hiện, bộ đội càng cần phải chú trọng tôi rèn, nâng cao ý chí, bản lĩnh vững vàng để chủ động, sẵn sàng đối phó với những thách thức mới đặt ra. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, bộ đội thực hiện nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Thêm vào đó, những mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động tới nhận thức, tình cảm, tư tưởng của bộ đội. Do vậy, rèn luyện ý chí kiên định, bền bỉ càng giúp bộ đội vững vàng đối mặt và sẵn sàng đạp bằng chông gai, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.  

Để có ý chí kiên định, vững vàng, việc giáo dục, bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng rất quan trọng. Trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, nhờ định hướng tốt, giáo dục khéo nên bộ đội có nhận thức đúng đắn, quyết tâm nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì thế, trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng hiện nay, cần đổi mới cả về hình thức, nội dung và phương pháp giáo dục, nhằm tạo điều kiện cho bộ đội vừa củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta, tuân thủ nghiêm kỷ luật “quân lệnh như sơn”. Việc giáo dục, rèn luyện ý chí cho bộ đội cũng không ngoài mục đích làm cho mỗi người không nề gian khổ, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Để tôi luyện ý chí thép, trước hết, mỗi cán bộ, sĩ quan phải tự giác trau dồi, rèn giũa theo đúng tinh thần “Rèn cán như rèn binh, rèn mình như rèn chiến sĩ”. Đối với mỗi chiến sĩ, cần chú trọng rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi, đúng với phương châm “Rèn sức, rèn đức, rèn tài/ Rèn trong gian khổ, rèn ngoài nắng mưa”. Khi có ý chí vững vàng, cũng là lúc người lính cảm thấy tự tin trong cuộc sống, công tác, huấn luyện, chiến đấu và đó cũng là cơ sở, tiền đề để mỗi người thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần làm tỏa sáng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

Trung tướng PHẠM TUÂN, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...