• :
  • :

Người đứng đầu hứa thật, làm thật để giữ gìn danh dự đảng viên

Để có được danh dự và lòng tự trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên nỗ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ, nêu cao tinh thần dũng cảm và đức hy sinh trọn đời mình cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân. Đây là “cuộc đấu tranh nội tâm” trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên mà cốt lõi là phải biết chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

1. Danh dự và lòng tự trọng là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi con người. Khi bàn về danh dự và lòng tự trọng, người xưa thường nói: “Đói cho sạch rách cho thơm”, "Chết trong còn hơn sống đục” để giáo dục con người phải giữ gìn phẩm giá trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây cũng chính là thể hiện ý chí, khí phách, bản lĩnh cao cả của người cách mạng. Điều ấy rất đúng với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong giai đoạn hiện nay. Bởi danh dự và lòng tự trọng là phẩm chất cao đẹp để người đứng đầu luôn giữ được đức liêm chính trong thực thi công vụ; không bị gục ngã trước những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh vọng; khẳng định được niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân khi họ quyết định lựa chọn lá phiếu để bầu mình vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Danh dự và lòng tự trọng của người đứng đầu là một trong những phẩm chất cao quý, nền tảng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Người có danh dự và lòng tự trọng tự ý thức được giá trị của bản thân, vị trí công việc mình đang làm, luôn đề cao trách nhiệm, tận tâm, tận lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; không tham lam, tham nhũng, không đam mê quyền lực, không lấy của công làm của riêng, không lợi dụng chức vụ và quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân; biết tôn trọng cấp dưới, quý trọng nhân dân, nhờ vậy mà nhận được sự tin tưởng, yêu mến từ mọi người.

Ảnh minh họa: QĐND 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của việc nêu cao danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên. Người coi đây là một phẩm chất cao đẹp của đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên được Người chỉ rõ ở “tư cách của người kách mệnh”, tập trung ở các mối quan hệ và chuẩn mực ứng xử “với mình, với người và với việc”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên được Bác nêu ra ở “tư cách của cán bộ, đảng viên”. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Bác chỉ ra các chuẩn mực, cũng là yêu cầu về danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Có thể khẳng định, xuyên suốt trong tư tưởng của Hồ Chí Minh khi đề cập về danh dự và lòng tự trọng chính là đức tính nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính và phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

2. Kinh nghiệm lịch sử lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới đất nước cho thấy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, người đứng đầu và chính quyền các cấp có tâm, có tầm, có trí tuệ, biết đề cao danh dự và lòng tự trọng để hiện thực hóa đường lối chính trị đã đề ra là nhân tố quan trọng để sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đi tới thắng lợi. Thực tế đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên khi được nhân dân tin tưởng, lựa chọn bầu vào các vị trí cơ quan quyền lực của Nhà nước ở Trung ương và địa phương luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nêu cao danh dự và lòng tự trọng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng vững mạnh, tạo được niềm tin và sự mến phục của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương coi thường danh dự và lòng tự trọng, không giữ gìn được lời hứa hẹn, cam kết của mình với nhân dân, không chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân cho nên đã tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng tạo dư luận không tốt trong xã hội, làm tổn thương niềm tin của nhân dân khi tin tưởng bầu họ vào các cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Trong thời gian qua, Đảng ta hết sức coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, qua đó góp phần sàng lọc và loại bỏ những cán bộ, đảng viên không giữ gìn danh dự và lòng tự trọng, coi thường pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng, suy thoái, thoái hóa, biến chất. Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong LLVT. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 1-2024, Đảng đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Đáng chú ý là 2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật là do sai phạm từ nhiệm kỳ trước đó, nhưng đến nhiệm kỳ này, sau khi bổ nhiệm mới phát hiện ra. Điều đó cho thấy, phát hiện và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên trước khi tiến hành đại hội là việc làm quan trọng để những lá phiếu của nhân dân thực sự có ý nghĩa khi tín nhiệm lựa chọn những người thực sự tin cậy để gánh vác công việc của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

3. Danh dự và lòng tự trọng của người đứng đầu không phải được “đánh bóng” bằng những mỹ từ hô hào, khẩu hiệu, đăng đàn, mà phải được thể hiện qua sự nỗ lực học tập, rèn luyện không ngừng của họ.

Muốn vậy, trước hết người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp bất luận trong tình huống nào cũng phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nói và làm theo nghị quyết của Đảng; chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; không đam mê quyền lực chính trị, không lợi dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích chính trị. Quan trọng hơn là người đứng đầu các cấp phải có trách nhiệm thực hiện lời thề danh dự trong lễ kết nạp đảng viên và lời hứa hẹn với cử tri, với nhân dân trước thềm bầu cử và trong lễ tuyên thệ, nhậm chức của mình.

Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải luôn đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày; có lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, không phô trương, xa hoa, lãng phí, không tự cao, tự đại; hết lòng, hết sức vì tập thể, vì lợi ích chính đáng của cấp dưới và của người dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh; không kèn cựa địa vị, độc đoán, chuyên quyền; không quan liêu, xa rời quần chúng.

Trong tình hình hiện nay, để xứng đáng là "người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp cần làm việc nghiêm túc, hiệu quả, hết lòng vì nhiệm vụ được giao; không ích kỷ, cơ hội, thực dụng, ganh ghét, đố kỵ; không xu nịnh, tâng bốc cấp trên; có ý thức chủ động tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa”, khi có khuyết điểm thì thành khẩn nhận trách nhiệm và nghiêm túc sửa chữa; chân tình, thẳng thắn góp ý cho đồng chí, đồng đội, không vu khống, bôi nhọ, chỉ trích để hạ bệ người khác; không huênh hoang, ba hoa, có trách nhiệm với lời nói và lời hứa của mình. Danh dự và lòng tự trọng chỉ thực sự được đề cao và ghi nhận khi người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp xác định những tiêu chí phấn đấu trung thực, lành mạnh cho bản thân mình, thấm nhuần lời Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Danh dự và lòng tự trọng của người đứng đầu còn thể hiện sâu sắc ở khía cạnh sống và làm việc có trách nhiệm, tuân thủ kỷ luật, thượng tôn pháp luật, tự giác hoàn thành tốt những công việc của mình mà không cần người khác nhắc nhở, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm của bản thân và kiên quyết sửa chữa; không làm những việc trái với lương tâm, không để đồng tiền và quyền lực tha hóa bản thân; không để người nhà, người thân lợi dụng danh nghĩa trục lợi cá nhân, làm điều phi pháp; biết dựa vào sức lực của chính mình để phát triển, không trông chờ từ các mối quan hệ không trong sáng; phân biệt được ai là kẻ nịnh bợ, cơ hội; ai là người trí sáng, tâm trong; luôn đề cao trách nhiệm nêu gương trong công việc, lối sống và các mối quan hệ xã hội.

Danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng nhất, cao quý nhất của mỗi người cán bộ, đảng viên. Nêu cao danh dự và lòng tự trọng của người đứng đầu là giữ gìn uy tín, niềm tin trong phiếu bầu của nhân dân. Đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn gửi: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN THI, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...