• :
  • :

Phủ nhận sự hy sinh xương máu cho độc lập, tự do, thống nhất là vô ơn

Để có đất nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình và phát triển như ngày hôm nay, bao anh hùng liệt sĩ của các thế hệ đi trước đã anh dũng ngã xuống. Thế nhưng, ngày nay, lại có ý kiến cho rằng, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam trong thế kỷ 20 là không cần thiết, vì không cần giành độc lập, tự do, không cần thống nhất đất nước thì có thể Việt Nam còn phát triển hơn, người dân Việt Nam hạnh phúc hơn cả bây giờ, mà lại không phải đổ xương, đổ máu (!?). Ý kiến trên là hoàn toàn sai trái, xúc phạm đến anh linh của các anh hùng liệt sĩ! Đây chỉ là ý kiến lạc lõng của kẻ vô minh, vô đạo, vô ơn.

Với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào thì chủ quyền quốc gia, độc lập, tự do của dân tộc luôn là vô giá, là vấn đề có tính sống còn. Một số nước phương Tây rêu rao luận điệu rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, mới nghe thì thấy thật nhân văn, nhưng sự thật luận điệu này chỉ xuất phát từ mưu toan muốn can dự vào công việc nội bộ của nước khác. Bởi lẽ, điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa được các quyền con người là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Do đó, chủ quyền quốc gia không thể tách khỏi nhân quyền và nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền quốc gia. Trông chờ vào một quốc gia khác, một dân tộc khác vì lòng tốt mà chăm lo cho người dân của quốc gia mình, dân tộc mình chỉ là giấc mơ hão huyền.

Thực tiễn lịch sử Việt Nam và nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới trải qua đấu tranh giành độc lập đã minh chứng rằng một dân tộc bị đô hộ bởi ngoại bang, không có chủ quyền quốc gia thì người dân không bao giờ có tự do, các quyền con người sẽ bị chà đạp nghiêm trọng, trong đó quyền được sống cũng không được bảo đảm. Nhìn vào thảm cảnh của người dân một số nơi trên thế giới hiện nay, chúng ta càng thấm thía điều này.

 Đoàn viên thanh niên thắp nén tri ân tại các phần mộ liệt sĩ thuộc nghĩa trang liệt sĩ thành phố Quy Nhơn.

Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và bè lũ tay sai, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước tại Việt Nam chính là cuộc đấu tranh vì quyền con người. Thế kỷ 19 và thế kỷ 20, chủ nghĩa đế quốc thực hiện chính sách xâm lược, biến nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin thành thuộc địa, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các dân tộc đi áp bức và các dân tộc bị áp bức. Các nước đế quốc tự cho mình là dân tộc “thượng đẳng”, là “mẫu quốc”, “đi khai hóa văn minh” cho các dân tộc “lạc hậu”. Để từ đó, trên thực tế, họ thực hiện chính sách cai trị, bóc lột dã man. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần tội ác của bọn thực dân, đế quốc đối với nhân dân thuộc địa: Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng...

Thảm cảnh của đất nước dưới chế độ bạo tàn của thực dân, đế quốc đã được lịch sử ghi nhận. Ấy vậy mà vẫn có những kẻ cố tình xuyên tạc, lừa bịp thế hệ trẻ về lòng tốt của thực dân, đế quốc thì không thể chấp nhận được.

Đau xót trước cảnh nước mất, nhà tan, các nhà yêu nước tại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã tìm nhiều biện pháp để đấu tranh với thực dân, đế quốc giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong đó, có cả biện pháp đấu tranh bất bạo động, đấu tranh chính trị để Pháp dành cho nhân dân Việt Nam quyền tự do, dân chủ như cách mà nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã thực hiện. Nhưng chủ trương ấy của cụ Phan Châu Trinh đã thất bại vì chẳng khác gì “đến xin giặc rủ lòng thương”-cách mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhận xét. Rõ ràng, không thể chờ mong sự thương xót của dân tộc ngoại bang để mang lại điều tốt đẹp cho dân tộc ta, nhất là đó đang là kẻ thù xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và con đường giải phóng dân tộc của Người là phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ra đời đã chứng minh con đường cứu nước của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt.

Sau khi thực dân Pháp bị đánh bại, phải rút khỏi Việt Nam, Hiệp định Geneva năm 1954 tạm thời chia nước ta thành hai miền Nam-Bắc. Việc tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử theo nội dung Hiệp định Geneva để thống nhất hai miền đã không bao giờ thành sự thật, bởi dã tâm của Mỹ-ngụy đã cố tình phá hoại hiệp định để đế quốc Mỹ thi hành ở Việt Nam chế độ thực dân kiểu mới. Dưới sự trợ giúp của Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách tàn bạo tại miền Nam, dùng máy chém-hình thức giết người dã man thời Trung cổ-để tàn sát cán bộ, đảng viên của ta và đồng bào ta, lập các ấp chiến lược ở nông thôn để dồn đồng bào ta vào đó, không khác gì cầm tù. Đồng bào miền Nam rên xiết, thống khổ dưới ách thống trị tàn bạo của Mỹ-ngụy. Những tội ác tày trời mà đế quốc Mỹ, ngụy và chư hầu gây ra đã được lịch sử ghi nhận, vẫn còn in hằn trong ký ức của những nhân chứng như ném bom thảm sát dân thường, rải chất độc da cam, tra tấn dã man tù chính trị, hãm hiếp phụ nữ... Vụ thảm sát tại Mỹ Lai (thôn Mỹ Lai thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ là một trong hàng nghìn vụ việc lính Mỹ, ngụy và chư hầu thảm sát dân thường bao gồm cả trẻ em tại miền Nam Việt Nam. Bức ảnh “Em bé napalm” của phóng viên chiến trường Nick Út chụp ngày 6-8-1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh ghi lại khoảnh khắc em bé Phan Thị Kim Phúc bị bom napalm gây cháy hết quần áo, bỏng khắp người, cùng những em bé khác vừa khóc, vừa chạy ra đường đã tố cáo tội ác chiến tranh mà Mỹ-ngụy gây ra ở miền Nam Việt Nam. Không chỉ thế, đế quốc Mỹ còn mở rộng chiến tranh, ném bom miền Bắc, gây ra nhiều vụ thảm sát dân thường như ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội... Như thế có thể thấy người dân ở bất cứ nơi đâu tại Việt Nam không thể an toàn, hạnh phúc nếu còn giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai.

Sự phồn hoa của Sài Gòn trước năm 1975 chỉ là thứ phồn hoa giả tạo từ hàng hóa nhập khẩu mà Mỹ cố gắng tạo dựng lên để phục vụ cho nhu cầu sống xa hoa, những thú ăn chơi, trụy lạc của quan chức Mỹ, Sài Gòn và binh lính Mỹ, chư hầu. Còn nhìn chung, người dân miền Nam Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn phải sống trong nghèo khổ, tăm tối, tù túng, áp bức và bị đe dọa tính mạng bởi các hành động tàn ác của binh lính Mỹ, ngụy và chư hầu. Chỉ sau ngày 30-4-1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất thì dân tộc Việt Nam mới thực sự làm chủ vận mệnh của mình, người dân Việt Nam có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Nhìn trên bình diện thế giới, các quốc gia, dân tộc vẫn còn bị chia cắt thì chưa hề được bình yên, vẫn còn trong tình trạng chiến tranh và phải chịu những nỗi đau ly tán người thân. Nỗi đau ấy, tình trạng ấy thì không của cải, vật chất nào có thể bù đắp được. Thế nên, nếu ai đó chỉ dùng thước đo của cải, vật chất để đánh giá mức độ hạnh phúc của một quốc gia, dân tộc thì thật thiển cận.

Từ đó, chúng ta thấy rõ ràng hơn rằng, dân tộc Việt Nam giành lại được độc lập, tự do, thống nhất, có hạnh phúc, phát triển như ngày hôm nay là thứ tài sản vô giá. Để có được đất nước thái bình ngày hôm nay, bao thế hệ đã xả thân, chiến đấu quên mình, hiến dâng tuổi xuân, hy sinh xương máu. Cho đến nay, khi đất nước đã yên tiếng súng được hàng chục năm mà hàng chục vạn liệt sĩ vẫn chưa xác định được danh tính, nhiều gia đình chưa tìm được hài cốt liệt sĩ là người thân của mình, nhiều bà mẹ già vẫn ngày đêm mong ngóng, hy vọng sẽ tìm thấy và đưa được những gì còn lại của người con thân yêu đã ngã xuống vì đất nước về với gia đình.

Các thế hệ Việt Nam ngày nay không bao giờ được phép quên quá khứ, mà chúng ta chỉ tạm khép lại quá khứ đau thương để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, theo tinh thần “thêm bạn, bớt thù”. Thế nhưng, khép lại quá khứ không có nghĩa là chúng ta cho phép bất cứ ai đổi trắng thay đen, đánh lận con đen, thật-giả, tốt-xấu lẫn lộn. Phải nghiêm túc, chân thành với sự thật lịch sử, phải biết ơn, trân trọng công lao, xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu để chúng ta có cuộc sống hôm nay. Phải kiên quyết lên án bất cứ hành vi nào xúc phạm đến sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ. Biết ơn, trân trọng công lao của các thế hệ đi trước chính là thể hiện trí tuệ và nhân cách của mỗi chúng ta.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Tags: liệt sĩ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...