Sức sống thành phố vì hòa bình trên mảnh đất ngàn năm văn hiến- Bài 1: Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người
Cách đây tròn 1/4 thế kỷ, vào ngày 16-7-1999, Hà Nội là thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô không ngừng nỗ lực xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố năng động, hiện đại, phát huy vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến, trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, điểm đến an toàn, thân thiện. Ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ làm sâu sắc hơn vấn đề này.
Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS), Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng: Từ ngàn năm qua, Thăng Long-Hà Nội phải oằn mình chống lại các cuộc chiến tranh của giặc ngoại xâm. Đã có biết bao xương máu của thế hệ cha anh đổ xuống với mong muốn “tắt muôn đời chiến tranh” cho người dân đất Việt, để đến ngày nay, Hà Nội xứng đáng là "Thành phố vì hòa bình".
GS, TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc. |
Khát vọng “Thăng Long phi chiến địa”
Phóng viên (PV): Thưa ông, những câu chuyện nào trong lịch sử của Thăng Long-Hà Nội đã khẳng định giá trị vì hòa bình?
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc: Mùa xuân năm 544, Lý Nam Đế (húy là Lý Bí) sau khi đánh thắng giặc Lương xâm lược đã lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, với quốc hiệu mới, người đứng đầu nhà nước Vạn Xuân “mong xã tắc được bền vững muôn đời”. Tên nước Vạn Xuân có nghĩa là "hòa bình muôn đời".
Trải qua những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, tới thời vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La vào năm 1010, đổi tên thành Thăng Long. Thăng Long là thành phố rồng bay, “là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” được vua Lý Thái Tổ thể hiện trong “Chiếu dời đô” với những ý nghĩa sâu sắc, tầm nhìn thời đại của một vị vua Đại Cồ Việt. “Chiếu dời đô” nêu bật được vai trò kinh đô Thăng Long xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia. Thời gian sau đó, Thăng Long vẫn là kinh đô của nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, nhà Lê trung hưng... và là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thăng Long thực sự là “nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
PV: Vì sao trong lúc Hà Nội phải hứng chịu biết bao bom đạn chiến tranh, người Hà Nội vẫn nói rằng “Thăng Long phi chiến địa”, thưa ông?
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc: Tất cả những người dân lương thiện hay công dân chân chính đều có mong muốn một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Nhưng người Thăng Long-Hà Nội có mấy khi được yên. Ngay từ khi được khai sinh, Thăng Long đã phải trở thành người khổng lồ để đánh tan giặc dữ. Huyền thoại về Thánh Gióng là ví dụ điển hình. Rất nhiều các cuộc chiến tranh, tàn phá, biết bao xương máu đổ xuống để thực hiện khát vọng hòa bình. “Thăng Long phi chiến địa” luôn là ước mơ, là khát vọng của bao đời nhân dân nơi đây. Thăng Long biết bao nhiêu lần phải “vườn không nhà trống”, rồi những khoảnh khắc “Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”.
Ở giữa Hà Nội có những tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cũng là nơi Người ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, cùng câu nói bất hủ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hà Nội cũng là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đánh giặc biêu biểu, trong đó có Phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”. Dù Hà Nội có bị quân thù dã tâm tàn phá nhưng nhân dân ta quyết không sợ, quân và dân Hà Nội đã làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Tất cả dồn sức, dồn lực để “mở nền thái bình muôn thuở, tắt muôn đời chiến tranh”.
Giáo viên và học sinh Thủ đô Hà Nội dâng hương tưởng niệm tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VIỆT TRUNG |
PV: Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO trao tặng Hà Nội mang những giá trị gì, thưa ông?
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc: Cái tên “vì hòa bình” rất hay và ý nghĩa. Cụm từ này là kết tinh bao xương máu của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Bởi trên thế giới, rất ít thành phố hay thủ đô nào phải chịu đựng chiến tranh tàn khốc, ghê gớm như Hà Nội. Nhưng Hà Nội luôn kiên cường, bất khuất “vùng đứng lên”. Bên cạnh đó, những tiêu chí khác được UNESCO đánh giá như sự bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị, gìn giữ môi trường sống, thúc đẩy văn hóa, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ... thêm khẳng định giá trị toàn diện của Hà Nội-Thành phố vì hòa bình-nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.
Chăm lo khơi dậy và phát huy sức dân
PV: Ông đánh giá như thế nào về quá trình gìn giữ và phát huy các tiêu chí vì hòa bình của Hà Nội?
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc: Năm 2010, khi chúng tôi tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã phải bàn đi bàn lại chủ đề. Sau đó, chủ đề được đồng thuận cao, đó là: “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”. Ví dụ, khi chúng ta chuyển từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang thị trường, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã huy động cao sức đóng góp của toàn dân. Không chỉ là người dân đô thị mà người dân nông thôn của Hà Nội, những người dân nơi khác đến đều có trách nhiệm chung để phát triển Thủ đô. Đấu tranh bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bảo vệ đất nước này, nói như Trần Hưng Đạo, là cần biết khơi dậy và phát huy sức dân.
Ở tiêu chí xây dựng đô thị, tôi nghĩ rằng trong 25 năm qua, đô thị Hà Nội có bước chuyển biến vượt bậc. Trước đây, Hà Nội chỉ loanh quanh 36 phố phường. Bây giờ Hà Nội chuyển mình phát triển mạnh mẽ, bỏ qua rất nhiều khó khăn, phức tạp để mở rộng địa chính thành phố. Cầu đường, hệ thống giao thông, đô thị được trải dài sang hai bên bờ sông. Kết luận số 80-KL/TW ngày 24-5-2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: "Xây dựng không gian phát triển sông Hồng trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô". Sông Hồng trở thành trục trung tâm, trở thành trục đột phá của thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại.
Huyện Đông Anh, Gia Lâm... tới đây sẽ trở thành quận. Thành Cổ Loa trước đây nằm im lìm, sắp tới sẽ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tương lai gần sẽ được đầu tư trở thành đại công viên ghi dấu tiêu biểu nhất của thời đại dựng nước, hài hòa với đô thị mới được xây dựng ở Đông Anh, tạo ra một vóc dáng mới cho Thủ đô.
Chăm lo giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển giáo dục cũng là thành công của Hà Nội. Gần đây, chúng tôi tham gia xây dựng quy hoạch Hà Nội đã thể hiện rõ đây là thành phố đi đầu cả nước trong khai thác, phát huy giá trị của nguồn lực văn hóa, di sản văn hóa cho sự phát triển. Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa được Hà Nội chú trọng bằng những hành động cụ thể, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, nguồn lực lớn cho sự phát triển của Thủ đô.
PV: Giữa bảo tồn và phát triển luôn có sự xung đột, nhất là khi đô thị hóa của Thủ đô diễn ra với tốc độ cao. Theo ông, Hà Nội cần làm gì để giải quyết hài hòa vấn đề trên?
GS, TS Nguyễn Quang Ngọc: Đây không chỉ là chuyện riêng của Hà Nội mà đã, đang xảy ra ở rất nhiều đô thị trên thế giới. Cần khẳng định, di sản của tổ tông, ông cha một khi mất đi thì không thể làm lại được. Nhưng tôi có quan điểm khác. Giữa bảo tồn và phát triển có mối quan hệ mật thiết với nhau, tương hỗ với nhau. Chỉ sợ chúng ta bảo tồn không đúng thì chắc chắn sẽ gây nên những hậu quả khôn lường tới phát triển. Chúng ta cứ nhắm mắt phát triển sẽ làm hỏng bảo tồn.
So sánh với thế giới, hiếm có thành phố nào như Hà Nội có nhiều di sản văn hóa như vậy. Tuy nhiên, Hà Nội lại chưa có nhiều di sản thế giới, trong khi tiềm năng rất nhiều. Hà Nội cần có chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Lưu ý, bảo tồn là bảo tồn giá trị những cái có giá trị đích thực. Cái thiếu của Hà Nội hiện nay là chưa có bản đồ về khảo cổ học Hà Nội. Do vậy cần nghiên cứu căn cơ, bài bản, cần đánh giá đúng các di sản văn hóa, vận dụng để có những chiến lược phát triển. Bảo tồn và phát triển đồng thuận với nhau thì tạo ra phát triển bền vững, giúp Hà Nội tạo ra những giá trị mới củng cố thêm thương hiệu “Hà Nội-Thành phố vì hòa bình”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong hai năm 2021-2022, Hà Nội đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố. |
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)