• :
  • :

Thơ, báo Nguyễn Đình Chiến nồng ấm tình người

Thấm thoắt đã 10 năm, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến rời xa chúng ta, về miền thương nhớ!

Tôi nhớ sau khi anh được giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ 1982-1983 thì về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Dịp ấy, tôi cũng hoàn thành chuyến công tác thường trú dài hạn từ TP Hồ Chí Minh về tòa soạn. Mới gặp nhau lần đầu tôi đã cảm mến anh. Ấn tượng mãi, yêu mãi đôi mắt sáng, gương mặt đẹp phúc hậu, giọng nói truyền cảm, cuốn hút và mái tóc lượn sóng tự nhiên, bồng bềnh trên vầng trán rộng của anh. Mọi người bảo mái tóc ấy rất giống mái tóc nhà thơ Xuân Diệu. Tòa soạn bố trí anh với tôi ở chung căn phòng nhỏ trên tầng 3 nhà số 8 Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là căn phòng mà các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Trần Quang Quý, Hà Đình Cẩn... hay lui tới.

 Gia đình và đồng đội, đồng nghiệp bàn tổ chức tưởng niệm 10 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiến. Ảnh: TRỌNG NGHĨA

Đó cũng là căn phòng mà nhiều đêm khuya, anh Chiến trở về, lưng áo ướt đẫm. Anh vừa đi bộ hơn 6km từ Đại học Y Hà Nội về đây. Đó là những ngày anh yêu cô sinh viên y khoa Trần Thị Kim, sau này là vợ anh. Có người bảo tác phẩm thơ lớn nhất của Nguyễn Đình Chiến là bác sĩ Trần Thị Kim, là nguồn cảm hứng trong thơ anh, rồi những năm sau chị là hậu phương lớn, là chỗ dựa tinh thần cho anh phát triển sự nghiệp văn chương, nhất là những năm làm việc tại Liên Xô.

Hơn 40 năm trước, Thiếu tá, phóng viên Nguyễn Đình Chiến chuyển đến học Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 3), sau đó sang Liên Xô học ở Học viện Viết văn Gorki. Những năm ở xứ bạch dương, Nguyễn Đình Chiến làm Tổng biên tập Tạp chí Người bạn đường, rồi Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.

Với bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp, anh luôn gần gũi, chân thành, hào sảng, mở lòng. Hơn 17 tuổi xung phong nhập ngũ (năm 1970), 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia chiến đấu khắp các chiến trường, có 2 năm làm chính trị viên tiểu đoàn, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nên Nguyễn Đình Chiến đầy chất lính, nhiều kinh nghiệm trận mạc. Gặp người cựu học viên Trường Sĩ quan chính trị sau 10 năm tại mặt trận Vị Xuyên, anh rất xúc động. Khi ấy anh là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, còn bạn anh là Trung tá Trần Xuân Bảng. Nguyễn Đình Chiến đã đưa tình cảm đồng chí, đồng đội thân thiết vào bút ký 4 kỳ “Vị Xuyên-bài ca người giữ đất”, đăng tháng 2-1986 trên Báo Quân đội nhân dân. Trước khi nghỉ hưu, anh Trần Xuân Bảng là Trung tướng, PGS, TS, Chính ủy Học viện Lục quân (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Anh Trần Xuân Bảng ra Hà Nội nửa tháng nay để cùng gia đình tổ chức tưởng niệm 10 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiến.

Tôi với anh Chiến có nhiều kỷ niệm thời làm báo. Một hôm gặp nhau tại cổng tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, anh gọi to tên tôi, chạy đến nắm tay rất chặt nhưng chưa kịp hỏi về gia cảnh, anh đã nói nhanh: “Đang vội quá ông ạ, hôm nào gặp tâm sự nhiều”. Không ngờ, đó là cái nắm tay cuối cùng giữa hai chúng tôi.

Chỉ mấy năm ở báo anh đã xông xáo khắp các trận địa tại Campuchia và biên giới phía Bắc. Có lẽ bút ký 7 kỳ “Bát-đom-boong nơi tuyến đầu” và  “Vị Xuyên-bài ca người giữ đất” đã làm nên tên tuổi nhà báo Nguyễn Đình Chiến.

Về thơ của anh, đã có các nhà thơ nổi tiếng đánh giá cao: “Thơ Chiến viết tự nhiên. Câu trước gợi câu sau. Bài thơ hết thì tự nó kết thúc chứ nhiều khi anh không làm chủ được. Anh cũng không muốn người đọc phải lóa mắt vì ánh sáng chói gắt. Thơ Chiến là ánh trăng, khi lấp lánh, lúc bàng bạc huyền ảo” (nhà thơ Trần Đăng Khoa).

Nguyễn Đình Chiến đã viết trường ca về vị tướng thiên tài Kutuzov của Nga và đã phác xong chương đầu của “Trường ca Võ Nguyên Giáp”. Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nghĩ đến trường ca dang dở của anh, càng thêm thương tiếc, cảm phục anh.

Nhà văn, nhà báo ĐÀO VĂN SỬ

Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết