• :
  • :

Đừng nhìn đời qua “lăng kính” màu đen

Trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22-12) vừa qua, nhiều người rất bức xúc sau khi đọc dòng trạng thái (status) trên trang Facebook của một cá nhân từng là giáo viên, cách đây gần 20 năm được tung hô là “người hùng” do có thành tích chống tiêu cực trong thi cử.

Người này viết: “Mấy chục năm trước các trường học trên cả nước thường hay làm lễ mít tinh kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội (22-12). Lâu nay thấy các trường học đã bỏ dần cái ngày này, thế mà tuần vừa rồi đón thằng cháu học mầm non thấy nhà trường làm cái biển hiệu rất hoành tráng để kỷ niệm ngày này. Tiền làm cái biển cũng đôi triệu...”. Đọc hết status cùng một số bình luận với lời lẽ phản cảm, có thể hiểu hàm ý người viết đồng tình với việc “bỏ dần cái ngày này”, cho rằng tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam trong các trường học là không cần thiết, gây lãng phí, là việc “vẽ ra để tiêu tiền”...

Những dòng trạng thái nói trên một mặt bộc lộ suy nghĩ thiển cận của người viết, bởi lẽ đã là công dân nước Việt, ai cũng hiểu rằng QĐND Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sẵn sàng hy sinh tất cả vì bình yên của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội được chính nhân dân trao tặng và đã trở thành một danh hiệu cao quý. Kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam gắn với Ngày hội Quốc phòng toàn dân là một trong những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Trong trường học, việc tổ chức kỷ niệm là hình thức sinh động, thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tình đoàn kết quân-dân cho các em học sinh, cần phải khuyến khích... Thế mà một người đã có hàng chục năm đứng trên bục giảng lại có những lời lẽ hồ đồ như vậy! Mặt khác, qua sự việc này và xâu chuỗi nhiều sự việc có liên quan đến người viết status trong suốt thời gian qua cũng cho thấy, dường như người này mắc phải một thứ “bệnh” đang tồn tại khá phổ biến, đó là thói nhìn nhận xã hội một cách cực đoan, tiêu cực.

Những người có suy nghĩ, cái nhìn cực đoan, tiêu cực thì nhìn đâu cũng chỉ thấy cái xấu mà không thấy mặt tích cực của xã hội. Ban đầu, họ có thể có công khi phát hiện ra vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, ở nơi mình công tác và dũng cảm đứng dậy tố giác, đấu tranh. Điều này là rất đáng biểu dương, khích lệ. Tuy nhiên, càng về sau, “lăng kính” của họ càng bị bôi đen. Trong suy nghĩ của họ, mọi diễn biến trong đời sống xã hội đều thuộc diện nghi ngờ; mọi việc làm của cán bộ, công chức, nhất là những người có chức vụ đều chứa đựng yếu tố tiêu cực... Họ cố tình soi mói, phát ngôn bừa bãi, tung lên mạng xã hội những bài viết, những bình luận vô căn cứ, hồ đồ, khiến môi trường văn hóa bị ô nhiễm; nhiều trường hợp còn viết đơn thư, khiếu kiện không có cơ sở, gây rối loạn cơ quan, tổ chức, địa phương...

Có câu đại ý, cách một người nhìn nhận xã hội cũng chính là cái mà họ nhận được từ xã hội. Những người mắc “bệnh” nhìn nhận cuộc sống cực đoan qua "lăng kính" màu đen đầy tiêu cực thì tâm hồn họ khó thanh thản, lương tâm họ khó bình yên vì chính nỗi lo mà họ tự nghĩ ra.

TRUNG HIẾU

Tags: lăng kính
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết