“Có tật giật mình” - một căn cứ điều tra, xét xử!
Thành ngữ “Có tật giật mình” hầu như có ở mọi ngôn ngữ vì được khái quát từ cuộc đời thực, chỉ một nét tâm lý phổ biến ở những người có lỗi, có tội.
Tâm lý học gọi đó là bản năng tự vệ. Người đó sẽ chột dạ khi có ai nói về những điều sai trái mà mình từng mắc phải. Cũng theo bản năng, người đó sẽ tìm cách che chắn qua hành động, ngôn ngữ... Người xưa đã tận dụng nét tâm lý này trong nhiều vụ xử án, để lại nhiều điều đáng suy ngẫm.
Đây là một trong 8 phương pháp điều tra tội phạm cổ xưa: Nhìn mặt; tra tấn; lợi dụng quỷ thần; báo mộng; thí nghiệm; tra cứu điển phạm; suy đoán; lợi dụng tâm lý tội phạm.
Tranh của QUANG CƯỜNG |
“Sờ chuông” là câu chuyện cuối thời Bắc Tống (1088) được Thẩm Quát (1031-1095) ghi lại trong sách “Mộng khê bút đàm” (bộ từ điển bách khoa đầu tiên của Trung Quốc về triết học, khoa học tự nhiên, khoa học thường thức). Trần Thuật Cổ là huyện lệnh được báo trong vùng hay bị trộm vào ban đêm. Nhiều kẻ tình nghi bị bắt nhưng không tra ra được thủ phạm. Ông bèn cho giải tất cả nghi phạm đến ngôi chùa nọ, trước một cái chuông và nói quả chuông này rất linh thiêng, có thể biết được kẻ trộm cắp. Ông yêu cầu nhà chùa làm lễ cầu Phật (là cách tạo ra một không khí thiêng) rồi nói nếu người lương thiện sờ vào chuông sẽ không phát ra âm thanh, nhưng là kẻ trộm sờ vào chuông sẽ phát ra tiếng. Nói rồi ông sai dùng màn vây kín yêu cầu lần lượt từng nghi phạm vào trong. Không một âm thanh nào vang lên. Huyện lệnh yêu cầu các nghi phạm giơ tay lên, hầu hết đều có vết mực nước màu đen (do được bôi vào chuông từ trước) trong lòng bàn tay. Riêng tay một người thì không. Thế là bàn tay sạch sẽ đã lật tẩy hành vi phạm tội. Vì có tật nên giật mình, hắn sợ sờ vào chuông sẽ phát ra tiếng...
Thì ra kẻ trộm luôn sợ mang tiếng “vấy bẩn” nên cố mà “sạch sẽ”. Ngoài đời cũng dễ thấy kiểu người này: Kẻ mất dạy, gian tham lại hay nói chuyện đạo đức, trong sáng, để che giấu cái bản chất thật đểu cáng bên trong!
Có thể truyện này theo con đường tiếp biến văn hóa mà đi vào dân gian Việt rồi kết thành một câu chuyện khác nhưng chung mô típ. Vị quan nọ đến vãn cảnh một ngôi chùa. Được dịp, sư cụ giãi bày với quan vừa bị kẻ trộm lấy mất số tiền lớn, nhờ quan tra xét hộ. Qua phân tích ban đầu, quan đoán thủ phạm là người trong chùa, bèn nói sư cụ biện lễ cúng Phật. Quan cho gọi tất cả mọi người trong chùa đến để chạy đàn. Quan cho mỗi người tay này cầm một cành phan, tay kia cầm một nắm thóc đã ngâm nước, rồi nói nhà chùa vừa mất một số tiền lớn. Phật báo mộng cho ta kẻ trộm là người trong nhà rồi mách ta cho mỗi người cầm một nắm thóc vừa chạy vừa niệm Phật. Nếu là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc nảy mầm. Cả đoàn người chạy được vài vòng thì quan thấy có một chú tiểu thỉnh thoảng lại hé mở tay cầm thóc ra xem. Chờ thế, quan sai dừng lại, rồi chỉ đích danh kẻ trộm. Chú tiểu quỳ xuống chịu tội...
Trong khi mọi người không quan tâm đến thóc nảy mầm hay không nảy mầm vì vô tư, chỉ là kẻ trộm mới sợ thóc của mình “nảy mầm” nên phải xem. Thì ra kẻ có tội, vì “sống trong sợ hãi” nên luôn lo lắng, bất an...
Nước ta, sử sách ghi lại, thời Chúa Trịnh có Thượng thư Bộ Hình Nhữ Đình Hiền nổi tiếng trong việc tìm ra kẻ có tội. Chuyện kể, có phụ nữ nọ đi thăm chị gái ốm, nhưng nhiều ngày không thấy trở về. Nghi vợ mình bị anh rể sát hại, người chồng làm đơn gửi lên quan. Bị tống giam, bị tra xét nhưng người anh rể kia một mực kêu oan. Vụ án 7, 8 năm vẫn chưa có kết luận. Biết chuyện, Thượng thư liền đi xem thực địa con đường mà nạn nhân đã đi, thấy trên cánh đồng vắng, có một ngôi chùa. Ông nghi ngờ nạn nhân bị hại tại địa điểm này. Nhưng vụ án đã qua lâu rồi, không còn dấu vết. Thượng thư cùng tùy tùng đóng giả làm quan viên đến lễ chùa rồi xin được ngủ lại. Sáng hôm sau, ông nhờ sư trụ trì tập hợp hết mọi người, trước tượng Phật linh thiêng, ông nói đêm qua nằm mơ thấy có oan hồn đến nói vì bị cưỡng hiếp mà chết, xin ông tìm thủ phạm, là người như thế, như thế... Ai phạm tội phải thành thật khai báo để hưởng lượng khoan hồng. Đến sẩm tối cùng ngày, một người xin gặp quan nhận tội, dẫn đến nơi chôn người phụ nữ. Vụ án được làm sáng tỏ.
Cao hơn vấn đề xử án, những câu chuyện trên là một triết lý về cách sống, về đạo làm người. “Có tật giật mình” tức có một phản đề: Không có “tật” thì chẳng có gì phải “giật mình” cả. Vì vậy con người ta cố gắng rèn luyện để mà không có “tật”, tức phải sống trong sáng, lành mạnh, vô tư, liêm khiết, chân chính. “Cây ngay không sợ chết đứng” thì sống lương thiện, ngay thẳng, việc gì mà phải sợ hãi, lo lắng... Ta hiểu thêm một ngạn ngữ phương Tây cũng thật thâm thúy: Làm người ác thật khổ!
Nhìn ở góc độ pháp luật cho thấy một góc nhìn nhân văn về tội phạm học: Cái hành vi biểu hiện sự lo lắng kia của kẻ phạm tội chứng tỏ ở họ vẫn còn le lói ánh sáng của nhân tính. Có thể biết đâu họ phạm tội chỉ là nhất thời (như tính tham trỗi dậy chẳng hạn) để rồi cái phần nhân tính trong họ, dù có thể là ít ỏi, giày vò làm họ khổ sở, bất an. Vì thế mà người xưa cũng thật tình người: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”. Thật sâu sắc và cũng thật rộng lượng nhân văn!
Trở lại 8 phương pháp điều tra cổ ở trên thì người xưa vẫn chuộng cách “công tâm vi thượng”, nghĩa là “đánh vào lòng người là tốt nhất”, không chỉ áp dụng trong chiến tranh mà còn trong cả đối nhân xử thế, nhất là trong môn Tội phạm học. Vì xét đến cùng, sống ở đời ai cũng có sai sót, có khi mắc lỗi. Có khi cùng đường mà mắc tội. Thế nên “đánh vào lòng người” cũng là cách mở ra cho kẻ phạm tội cơ hội trở về làm người tử tế, lương thiện!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ