Nhớ nhịp chày xưa!
Đã là người dân Hà Nội thì hiếm ai chưa từng nghe qua câu “Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Nhịp chày giã dó làng Yên Thái đã trở nên quen thuộc và gắn bó với đời sống người Hà Nội một thời. Nhưng ngày nay, trước sự biến chuyển của thời cuộc, nghề làm giấy dó đã dần biến mất và đến địa danh Yên Thái nay cũng chẳng còn. Hồi sinh nghề làm giấy dó Yên Thái vẫn là nỗi đau đáu và nỗ lực của nhiều người, trong đó có những người trẻ.
Chỉ còn trong những mùa nhớ!
Vùng tổng Bưởi, làng Yên Thái hay nghề làm giấy dó là những điều gần như xa lạ với lớp trẻ chúng tôi, những người sinh ra tại Hà Nội từ sau năm 2000. Nhưng nhìn vào cách người Hà Nội, đặc biệt là những người dân “gốc” Thụy Khuê (Tây Hồ) đến nay vẫn say mê nói về một thuở “vàng son” của giấy dó Yên Thái, tôi hiểu rằng thế hệ tôi có lẽ đã bỏ lỡ một phần ký ức tươi đẹp của mảnh đất trăm nghề. Trong nỗ lực tìm lại phần ký ức ấy, tôi đến tìm gặp chuyên gia về Hà Nội - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến với mong muốn được hiểu hơn về làng nghề làm giấy dó Yên Thái từ khía cạnh lịch sử, văn hóa-xã hội.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, nghề giấy dó vùng tổng Bưởi (xưa được hợp thành từ sáu làng: Yên Thái, An Thọ, Ðông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài) có từ hơn 1.000 năm trước, bắt đầu vào thời nhà Lý. Tương truyền rằng ông tổ nghề giấy là Thái Luân - một viên quan nhỏ người Trung Quốc. Trong một lần đi vân du xuống phía Nam, ông dừng chân ở một ngã ba sông, nơi giao giữa sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Chính tại đây, ông đã truyền nghề và dạy kỹ thuật làm giấy dó cho người dân làng Yên Thái. Theo lời ông, người dân làng tìm mua cây dó từ vùng trung du như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai rồi thuê những người chuyên khai thác rừng đóng bè thả trôi theo nước sông Hồng về đến ngã ba bến Giang Tân (chợ Bưởi ngày nay). Từ đây, người dân làng Yên Thái sẽ vớt cây dó lên và bắt đầu quá trình tạo nên một trong những sản phẩm tinh hoa, nức tiếng nhất nhì đất Hà Thành.
Để cho ra đời những tờ giấy dó chất lượng, sự kỳ công phải được thể hiện ở từng công đoạn sản xuất. Trong đó, seo giấy có thể nói là một trong những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhất của người làm giấy. Cụ Vũ Thị Thiết - một trong những người cuối cùng còn nhớ về quy trình làm giấy dó Yên Thái, nhớ lại: “Những người phụ nữ làng Yên Thái phải đứng bên tàu seo làm việc miệt mài trong nhiều giờ đồng hồ, đôi tay ngâm trong bể nước bất kể trời mùa đông giá buốt đến đâu”. Vừa kể, cụ vừa ngâm câu ca dao “cửa miệng” của những người con gái seo giấy vùng Bưởi: “Tàu seo nước giá như đồng/ Tay đưa liềm giấy mà lòng nhớ ai/ Nhớ người tuổi ngoại đôi mươi/ Da xanh mai mái miệng cười đưa duyên”.
Những chồng giấy sau khi seo còn ướt được đưa đi ép cho kiệt nước. Người làng Yên Thái thường tận dụng các gốc cây to để ép giấy. Họ đục vào thân cây để làm điểm tựa cho cây gỗ, đặt các chồng giấy ướt phía dưới. Bằng kinh nghiệm lâu năm, họ xếp đá tảng lên từ từ để tăng sức nặng sao cho chồng giấy không bị rách. Thường mất từ 6-7 giờ để ép kiệt nước hoàn toàn. Công đoạn cuối cùng là phơi và sấy khô. Những mẻ giấy dó làng Yên Thái hoàn thiện sẽ được đưa đi tiêu thụ khắp Hà Nội và các vùng lân cận.
![]() |
Cụ Vũ Thị Thiết là một trong những người cuối cùng còn nhớ quy trình làm giấy dó Yên Thái. |
Cụ Thiết chia sẻ thêm: “Ngày xưa làm giấy dó vất vả lắm. Chúng tôi thường làm từ 6 giờ sáng, xuyên đêm đến tận 4 giờ sáng hôm sau mới nghỉ”. Có lẽ vì thế, mặc dù làm giấy xưa là nghề của cả vùng tổng Bưởi trong đó có các làng: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Nghĩa Đô, song giấy dó lụa Yên Thái vẫn thuộc hàng nổi tiếng hơn cả. Bởi, giấy dó lụa Yên Thái mỏng và mềm như tấm lụa nhưng lại rất dai, viết không nhòe và đặc biệt không bị mai một theo thời gian, có thể bảo quản đến hàng trăm năm. Ở thời hoàng kim, có những giai đoạn người dân làng Yên Thái làm giấy không xuể để phục vụ nhu cầu in ấn. Giấy dó Yên Thái còn từng được lựa chọn để in bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phần giấy bìa được bóc kép 6 lần, còn giấy ruột được bóc kép 3 lần.
“Cánh cửa hẹp” để hồi sinh giấy dó
Người dân làng Yên Thái ăn nên, làm ra nhờ nghề làm giấy dó. Đến cuối thế kỷ 19, giấy dó vẫn phát triển rực rỡ: Khắp nơi đổ về tổng Bưởi để mua giấy rồi từ vùng Bưởi lại xuất giấy dó đi khắp các phố hàng, khu chợ. Nhưng đầu thế kỷ 20, khi chữ Nho dần thất thế và giấy cùng kỹ thuật in ấn kiểu mới của người Pháp tràn vào, giấy dó Yên Thái bắt đầu bị mai một. Bấy giờ, làng Yên Thái vẫn có người làm giấy nhưng thay vì giấy lụa, giấy lĩnh như xưa thì để phù hợp với thời đại, người dân chuyển hướng sang sản xuất các loại giấy thấp cấp hơn như giấy gói hàng, giấy pháo và cả giấy… vệ sinh.
Năm 1958, các hộ gia đình sản xuất giấy ở Hồ Khẩu, Yên Thái và Đông Xã nhập vào hợp tác xã nhưng sau đó đã giải thể. Mặc cho vẫn còn những người có nhu cầu mua giấy nhưng việc lẻ tẻ một vài nhà thơ đặt in vài trăm bản bằng giấy dó lụa tặng bạn bè cũng không cứu được làng nghề. Và cứ thế, giấy dó Yên Thái dần dần chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người Hà Nội xưa.
![]() |
Mảnh giấy dó lụa Yên Thái mà cụ Thiết còn giữ. |
Ngồi nghe nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể chuyện giấy dó Yên Thái cùng lịch sử thăng trầm trên đất Thăng Long, lòng tôi không tránh khỏi sự tiếc nuối cho làng nghề từng một thời nổi danh một vùng. Những năm gần đây, có nhiều người trẻ tâm huyết thành lập các dự án để “hồi sinh” trang giấy dó của dân tộc. Tiêu biểu có thể kể đến Zó Project hay Đoàn Thái Cúc Hương arts&crafts. Nhưng chừng ấy nỗ lực dường như vẫn là chưa đủ để đưa giấy dó Yên Thái quay trở lại. Nói vậy không có nghĩa là hết hy vọng cho giấy dó, thậm chí nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, nghề giấy dó Yên Thái nói riêng và các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác nói chung còn đang đứng trước cơ hội chưa từng có để một lần nữa được “tái sinh” và phát triển. Muốn vậy, chúng ta cần phải dựa vào công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa là sự kết hợp giữa nghệ thuật và sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang giá trị văn hóa. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, việc Hà Nội lựa chọn thủ công mỹ nghệ là một trong sáu lĩnh vực công nghiệp văn hóa được ưu tiên phát triển sẽ mở ra tương lai cho các làng nghề tại Thủ đô. “Việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là cơ hội để các làng nghề truyền thống hồi sinh, mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo”. Với nghề làm giấy dó Yên Thái, nếu được kết hợp với du lịch trải nghiệm, có thể trở thành một sản phẩm thu hút khách du lịch. Du khách có thể tham quan từng công đoạn làm giấy dó, từ việc trồng cây dó, sản xuất giấy, cho đến việc viết câu đối hay vẽ tranh trên giấy dó. Đây là một chuỗi hoạt động du lịch rất tiềm năng, không chỉ thu hút khách du lịch quốc tế mà còn cả du khách nội địa.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự quan tâm và đầu tư đúng đắn từ phía Nhà nước và các bên liên quan như làng nghề, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch và nhà đầu tư. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò là người kiến tạo, giúp các làng nghề sống lại tại chính mảnh đất tổ tiên của họ. Một sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch bền vững và mang lại giá trị văn hóa lâu dài cho cả cộng đồng và nền kinh tế. Để tiếng chày năm xưa không chỉ còn là nỗi nhớ, mà còn ngân vang trong cuộc sống hôm nay, cần lắm sự chung tay của cả cộng đồng, để những trang giấy dó tinh hoa lại có cơ hội kể câu chuyện về một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NHI - THÚY HIỀN