Nhìn thẳng - Nói thật: Núi cao phải có đất bồi
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết - một trong những danh ca cải lương hàng đầu của nền nghệ thuật cải lương Việt Nam thế kỷ 20 bộc bạch rằng, sở dĩ bà có “chỗ đứng” trong lòng khán giả một phần do bà say nghề, coi cải lương như máu thịt của mình.
Nhưng để được tỏa sáng trên sân khấu cải lương, bà luôn biết ơn những người phía sau cánh màn nhung là các nhân viên hậu đài chuyên lo trang phục, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng. Theo bà, chính những giọt mồ hôi của những con người lặng thầm ấy đã làm nên tên tuổi của các nghệ sĩ lớn.
Trong lĩnh vực thể thao cũng vậy. Phía sau tấm huy chương vàng lấp lánh của các vận động viên là sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các bác sĩ, săn sóc viên. Điều này thấy rõ nhất ở các trận đấu MMA (Mixed Martial Arts-võ tổng hợp) đỉnh cao trên các võ đài quốc tế. Bất cứ võ sĩ nào giành chiến thắng vang dội cũng luôn nhờ sự săn sóc của các cornerman (người túc trực ở góc võ đài). Họ không chỉ lo tiếp nước, chườm đá cho các võ sĩ giữa những trận đấu mà còn phải luôn theo dõi, cổ vũ, nhắc nhở võ sĩ cần đánh như thế nào cho hiệu quả.
Các nghệ sĩ cải lương biểu diễn tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương (1918-2018). Ảnh: qdnd.vn |
Vẫn biết xã hội phân công lao động, mỗi người một ngành, một nghề. Trong một nghề lại có nhiều phần việc, nhiều vị trí cao-thấp khác nhau. Ngay trong một nghề cũng có nhiều chức trách, công việc có thể dễ mang lại lợi lộc, danh tiếng cho người này, nhưng người khác cùng nghề lại khó được hưởng niềm vui ấy. Bởi lẽ tạo hóa vốn không công bằng. Nhưng sự công bằng lại bắt nguồn từ thái độ nhìn nhận, đánh giá và ứng xử nhân văn của những người thường được gọi là “tinh hoa” của xã hội. Hàm ý “tinh hoa” trong trường hợp này là người tài, người giỏi, người có địa vị cao, người nổi tiếng trong xã hội.
Nhân tài hay tinh hoa bao giờ cũng chỉ chiếm số ít trong số đông, có tỷ lệ nhỏ trong xã hội. Nhưng nhân tài chỉ tỏa sáng, tinh hoa chỉ phát lộ khi được đặt trong một hoàn cảnh, môi trường có sự tương tác, hỗ trợ, giúp đỡ của những người làm tham mưu, giúp việc, kể cả những công việc phổ thông giản đơn như lao công, bảo vệ, đánh máy... Vì thế, sự thành danh của một cương vị, một vai trò, suy cho cùng cũng là kết quả tổng hợp của tất cả người “vô danh” kết tụ lại.
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Câu thơ của Tào Tùng viết năm Kỷ Hợi (879) thời nhà Đường (Trung Quốc) đã có độ lùi hơn 1100 năm; sau đó được Nguyễn Du dịch sang tiếng Việt là “Dãi thây trăm họ nên công một người” (bài “Văn tế thập loại chúng sinh”, ra đời khoảng cuối thế kỷ 18) cũng cách nay hơn hai thế kỷ. Đó là thông điệp xuyên thời đại mang hàm ý nhắn nhủ, nhắc nhớ các vị vua chúa, quan lại, tướng lĩnh thành danh đừng bao giờ quên sự thành công của mình là được tạo bởi mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người dân, những người lính và chính nhờ có họ mới có lịch sử loài người!
Là người ưu thời mẫn thế, từ thế kỷ 15, bậc hiền triết Nguyễn Trãi đã nhận thấy sức mạnh vô địch của nhân dân khi đúc kết: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, vì thế, tư tưởng ơn dân của ông đã để lại tiếng thơm cho muôn đời khi khẳng định: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Biết ơn dân vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của các bậc vua quan, bởi dân không chỉ là người gieo mầm, mang lại sự sống mà còn là người mang lại lợi lộc cho quốc gia, dân tộc.
Ở gần chúng ta hơn, Bác Hồ luôn nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên giữ gìn lòng chung thủy với dân, làm tròn bổn phận đầy tớ, công bộc của dân với hàm ý nhắn nhủ đừng sống xa dân, trên dân và ứng xử làm sao để dân tin, dân quý trọng mình. Đó là giải pháp căn cơ nhằm góp phần phòng ngừa những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên.
Nhà thơ Tố Hữu thì giản dị, sâu sắc hơn khi tự vấn: “Núi cao bởi có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?”.
Có thể nói, ghi công, biết ơn những người bình dị trong công việc, trong xã hội cũng là một cách để giữ gìn đạo đức của quan chức thời nay!
THIỆN VĂN