• :
  • :

Nhớ lắm, chợ quê

Lánh chốn thị thành hiện đại, nơi phố biển đông vui và nhộn nhịp, tôi dẫn các con về chợ quê. Men theo lối nhỏ giữa hai hàng lều quán, tôi thấy cậu con trai cứ ngơ ngơ, ngác ngác hết nhìn những chú tò he ngộ nghĩnh của ông lão bày bán góc chợ, rồi lại lạ lẫm trước quầy bán la liệt những thúng, mẹt...

"Ba ơi! Cái gì mà lạ vậy?". Tôi trả lời con trai: “Đấy là con tò he, còn kia là những thứ đồ dùng ngày xưa bà nội vẫn đựng thóc, gạo nuôi bố đấy!”. 

Tôi chẳng hiểu trong tâm hồn thơ trẻ của con đang nghĩ gì, chỉ thấy lòng mình lắng lại. Ngày xưa, hồi còn bé tí ti, tôi vẫn thường lẽo đẽo theo mẹ đi chợ quê. Mỗi lần đi chợ, bao giờ ngoại cũng mua cho tôi mấy chú tò he, vài bắp ngô nướng và mấy quả thị thơm lừng. Nhiều hôm mải mê xem ông lão râu tóc bạc phơ ngồi bán thuốc lào trong lều chợ gật gù bên chiếc điếu cày, miệng nhả những làn khói trắng bay nghi ngút, quên cả lối về. Nhớ những lần trời mưa rả rích, anh em tôi mòn mỏi trông ngoại đi chợ về để được thưởng thức món kẹo bột (đặc sản của quê tôi).

Tuổi thơ gắn bó với những cánh rừng, con suối, dòng sông, bến nước... và cả những lần thấp thỏm ra ngõ đón mẹ đi chợ về để được thưởng thức quà quê. Khi thì gói chè lam, lúc vài chiếc kẹo bột, bữa dăm quả na, quả thị thơm lừng nhưng đấy là tất cả sự chờ mong đến cháy lòng.

Minh họa: LÊ ANH 

Tuy giản dị và đơn sơ, vậy mà sau bao năm giữa dòng đời xuôi ngược, trong tâm hồn tôi vẫn bồi hồi, nhớ lắm chợ quê với những gánh hàng rong của mẹ. Và cứ thế, những kỷ niệm về mẹ và quê hương ào ạt hiện về, miên man dòng ký ức. Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, đồng lương công nhân lâm nghiệp “3 cọc, 3 đồng” của bố không đủ để nuôi anh em tôi ăn học, mẹ tôi phải tranh thủ thời gian gánh hàng rong chạy chợ. Cứ sáng tinh sương, bàn chân mẹ đã miệt mài trên con đường quê bập bõm lốt chân trâu. Mỗi lần bán hết hàng, mua sắm các thứ dưa, cà, mắm, muối xong xuôi, bao giờ mẹ cũng dành lại chút đỉnh để mua quà cho anh em tôi. Chợ huyện ngày ấy nổi tiếng bởi kẹo bột, món “khoái khẩu” của anh em tôi. Người dân làng Hương Khê ngày ấy toàn trồng mía, vì thế nhà nào cũng có lò nấu mật mía. Chắc có lẽ nhờ bí quyết gia truyền nên kẹo họ nấu bao giờ cũng ngọt lịm, giòn tan.

Tới khi tôi đã có gia đình riêng, nhưng lần nào vào thăm cháu nội, mẹ cũng “tay xách nách mang” đủ thứ quà quê. Mẹ tôi thường bảo: “Biết ở phố các con cũng chẳng thiếu thứ gì, nhưng mẹ vẫn mang vào mấy cân gạo nếp, vài củ khoai để các con ăn mà nhớ lại cảnh ngày xưa khó nhọc!”. Nghe mẹ nói vậy, tôi thấy mình như người có lỗi. Cả cuộc đời bố mẹ tôi lam lũ quanh năm, suốt tháng lo cho các con ăn học nên người. Mùa đông cũng như mùa hạ, mẹ tôi vẫn cứ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh. Vì lẽ đó, những món quà quê của mẹ bao giờ cũng chan chứa bao tình yêu thương vô bờ bến. Tôi nhớ cứ vào dịp tháng tám là mưa ngập trắng đồng. Lũ từ thượng nguồn chảy về cuồn cuộn. Bố không vào rừng khai thác gỗ. Mẹ không thể lên rừng chăm sóc cho cây. Chúng tôi cũng không đến trường được. Cả nhà cùng ngồi bó gối nhìn mưa tuôn mà lòng dạ chẳng yên. Mẹ tôi thì lặng lẽ vo gạo nhóm bếp, kín đáo giấu tiếng thở dài. Chao ôi! Mấy chục năm rồi mà tôi vẫn nhớ đến nao lòng món quà quê mộc mạc. Quên làm sao được hương vị nồng nàn của đất, chan chứa tình thương bao la của mẹ suốt đời dành cho những đứa con...

Thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào thế mà đã mấy chục năm trôi qua, kể từ ngày bố mẹ tôi vào định cư tại phố biển Đà Nẵng cùng con, cháu. Quê hương cũng đã nhiều thay đổi, xóm núi Chúc A giờ đây tường xây, mái ngói. Chỉ có chợ huyện là vẫn thế, tuy có được tân trang chút ít, nhưng mọi thứ bày bán trong đấy vẫn đầy đủ dưa, cà, mắm, muối, rổ, rá, giần, sàng. Hơn 30 năm trong quân ngũ, tôi đặt chân tới những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, hay dải đất miền Trung đầy nắng gió và cả những buôn, làng đồng bào Tây Nguyên hùng vĩ... nhưng không bao giờ quên góc chợ quê thuở nào. Với tôi, đấy là máu thịt, là kỷ niệm đẹp của một thời thơ ấu.

PHAN TIẾN DŨNG

Tags: chợ quê
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết