• :
  • :

Đời lính và trang viết

Tôi nhập ngũ khi học xong cấp 3, biết hình ảnh anh bộ đội qua những trang văn, bài thơ kháng chiến. Thực ra, còn hơn thế đôi chút, xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) nơi tôi trọ học cấp 3 có trạm trung chuyển bộ đội khi chuẩn bị vượt dãy Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu.

Nửa đêm bộ đội về làng, lặng lẽ mắc võng ngủ. Sáng dậy sớm học bài, tôi đã thấy võng bạt mắc ngang dọc, mùi quân phục thơm nức và giấc ngủ thanh xuân của những chú bộ đội sắp vào mặt trận. Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên hình ảnh những người lính trẻ phần lớn đến từ các tỉnh miền Bắc.

Họ đang ở độ tuổi mười bảy, mười tám ra đi từ những làng quê, khu phố nghèo khó hay lên đường từ các trường học tranh tre nứa lá. Cuộc hành quân bằng cơ giới của các anh đến đây coi như tạm dừng, sau đó là những ngày “ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn” như lời bài hát của Vũ Trọng Hối thời đó. Đá mòn thật đấy, còn hơn cả mòn nữa là đá lõm.

Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh có trưng bày một phiến đá lõm hình dấu chân người. Dấu chân của người lính vượt Trường Sơn ra mặt trận, hàng vạn lượt chiến binh đặt vào đá, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác tạo nên vết lõm thiên thu. Đấy là vết lõm lịch sử mà tôi tin ai có dịp nhìn thấy đều rưng rưng hình dung ra những cuộc hành quân không mệt mỏi trong cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ hai của dân tộc ta ở thế kỷ 20.

Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Tháng 6-1974, đêm đầu tiên làm bộ đội, chúng tôi nghỉ tại thôn Tứ Mỹ, xã Trung Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Mùa gặt. Đường thôn vương nhiều rơm rạ. Và trăng. Tôi nhớ đấy là một đêm trăng rất đẹp. Ánh trăng nõn nuột như làn da thiếu nữ khẽ chạm vào má tôi làm ngân rung những giai điệu dịu êm chưa bao giờ gặp.

Hình ảnh Nguyệt, nhân vật trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu hòa nhập vào Nguyệt, cô bạn học của tôi trong những chập chờn ảo thực. Tôi cựa quậy trên chiếc võng quân trang cong cong dáng thuyền quê nơi hiên nhà phảng phất hương lúa mới.

Phía trước là gì tôi chưa hình dung được, chỉ biết nhiều lắm những lâng lâng trước một tinh mơ người lính trẻ buộc chặt dây giày, khoác ba lô lên vai chuẩn bị hành quân bộ dài bốn mươi cây số về đơn vị huấn luyện. Tiếng còi tập hợp vang lên. Lần điểm danh đầu tiên. Giọng binh nhì dõng dạc: “Có!”.

Hơn nửa cuộc đời là bộ đội, bốn mươi ba năm mang áo lính. Nếu ai hỏi tôi, có ân hận gì không khi chọn quân ngũ làm trường đời, làm sao chọn được cơ chứ, khi Tổ quốc cần ta làm chiến sĩ thì sự thoái thác là không thể chấp nhận.

Thời chúng tôi, trở thành người lính gần như là đương nhiên. Chẳng biết thế hệ chúng tôi có binh nhì nào mơ ước trở thành tướng lĩnh hay không, nhưng chắc chắn rất nhiều người lính vô danh trong đội ngũ điệp trùng. Họ là lính, sống vô danh, chiến đấu, công tác vô danh và nếu có ngã xuống cũng vô danh trong muôn vàn vô danh khác.

Sự vô danh lại được định danh bằng tên gọi Bộ đội Cụ Hồ, người lính của nhân dân. Chính những người lính vô danh ấy đã làm lừng danh Tổ quốc này bằng những Điện Biên Phủ mặt đất và “Điện Biên Phủ trên không”, bằng mùa xuân đại thắng năm 1975 trước sự ngỡ ngàng, khâm phục của nhân loại. Chiến công, kỳ tích nào cũng lấp lánh những vô danh chiến sĩ, mênh mông và thăm thẳm như đất nước, như lịch sử hôm qua và hôm nay.

Cuộc đời bộ đội cho tôi nền tảng cần thiết để trưởng thành. Có thể lắm, không ở trong Quân đội tôi cũng trưởng thành, nhưng để như là tôi bây giờ chắc khó. Những năm tháng bộ đội, tôi hiểu sâu hơn người lính. Người lính trong chiến tranh và người lính hòa bình. Người lính mặt đất và người lính bầu trời. Người lính biên cương và người lính biển đảo.

Người lính trong hoàn cảnh bình thường và người lính trong thiên tai. Dù ở đâu, dù làm gì thì người lính vẫn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, họ gắn bó và yêu thương đất nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ khi được giao phó. Bằng những gì từng trải nghiệm, đã viết, tôi nghĩ nhân dân vẫn đặt niềm tin lớn vào chiến sĩ Quân đội, từ việc người lính chịu đựng gian khổ, xa cách để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đến người lính nhường doanh trại, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho dân khi bị cách ly vì đại dịch Covid-19...

Những người lính ở nơi rừng thẳm núi cao, ở tận chân trời góc bể cứ lặng thinh mà già vẫn bền lòng chấp nhận. Tôi đã gặp họ trong nhiều chuyến đi và chuyển tải thâm nhập của mình vào trang viết chân thực, ấm áp tình đồng đội.

Thực ra, cuộc sống của người lính đã truyền cảm hứng cho những sáng tác của tôi trong tư cách một nhà văn, nhà báo. Và tôi thành thật nghĩ rằng những gì mình viết được chỉ là phần rất nhỏ bé so với đời sống phong phú, đa tầng, đa diện của người lính. Trong mỗi người lính, ngoài cái chung có cái riêng, như số phận con người cũng hội đủ bao vui buồn, thăng trầm, may rủi, sướng khổ. Có nụ cười và nước mắt nhân thế, khi tỏa nắng, lúc mặn chát đời thường.

Trên những nẻo đường đất nước, tôi gặp đồng đội của mình, thấy việc họ làm, nghe chuyện họ kể, khi ở điểm chốt trên hoang vắng đường biên, lúc ở nhà giàn DK1 trong ngày biển lặng và nơi Trường Sa nắng chao chát thềm cát san hô... “Ôm nhau cười mà ban mai rớm nắng/ Bên cột chủ quyền dấu giông bão chưa phai/ Chúng con ngước nhìn lên/ Cờ Tổ quốc bay giữa trời Tổ quốc/ Gió thổi căng những kích thước nồng nàn”... Còn bao chênh vênh, bão giông mà tôi chưa được tận mặt thấy.

Những chuyến đi ắp đầy cảm xúc, bồi đắp niềm tin về người lính và tôi tâm niệm mình phải có trách nhiệm chuyển tải cảm xúc, niềm tin ấy đến những người khác, tuy rằng làm được điều đó chẳng dễ dàng. Lúc nào tôi cũng mang cảm giác của người chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, tự dặn lòng phải cố lên, viết hay hơn về đồng đội nhưng khó thay.

Đời lính là đời viết, cả hai có trong đời người, thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ tôi. Phần còn lại của cuộc đời, có lẽ tôi vẫn tâm huyết đề tài người lính, như một mặc định của nghiệp viết. Viết gì cũng phải thấm đẫm lòng yêu nước, thương dân. Đất nước của những người lính, nhân dân của những người lính, viết về người lính cũng là viết về nhân dân, đất nước đó thôi.   

Tùy bút của NGUYỄN HỮU QUÝ

Tags: Bộ đội
Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...