Sợ trách nhiệm hay là vô trách nhiệm?
Quý I-2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tốc độ tăng trưởng này đứng thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị Thành ủy và phiên họp UBND TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra, các đại biểu đã chỉ rõ: Nguyên nhân chủ quan cơ bản kìm hãm sự phát triển là nhiều cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm. Có tình trạng một vấn đề nhưng văn bản phải gửi qua gửi lại các sở nhiều lần, vẫn không giải quyết được; lần này thì lấy ý kiến, lần sau thì bổ sung ý kiến, thậm chí "tiền hậu bất nhất", mất rất nhiều thời gian...
Ảnh minh họa: Internet |
Phát biểu kết luận Hội nghị Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, bày tỏ trăn trở: Thành phố vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng gần đây điều này không có bao nhiêu. Mỗi chúng ta đều có quyền sợ sai, nhưng nghĩ như thế để làm đúng, làm tốt, làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Cân nhắc trước khi sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ danh dự, nhân phẩm; nhưng sợ đến mức đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm gì thì rất tiêu cực.
Thực tế trên không chỉ có ở TP Hồ Chí Minh!
Tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc, chậm giải quyết các thủ tục hành chính và chần chừ quyết định các công việc theo thẩm quyền... không những kìm hãm sự phát triển mà còn khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị.
Tình trạng cán bộ và cơ quan chức năng vì sợ trách nhiệm nên gửi văn bản xin ý kiến khắp nơi theo kiểu "đẽo cày giữa đường" chỉ cốt bảo vệ mình; rồi lại có rất nhiều "ông quan" trung gian, việc nhỏ thuộc thẩm quyền cũng "ủn" lên cấp trên, hoặc trả lại dưới (có khi chỉ một vài chữ không bản chất cũng không tự sửa chữa mà chỉ ngồi một chỗ ra lệnh cấp dưới đến lấy lại văn bản...) khiến công việc trì trệ, phát sinh nhiều công văn rườm rà. Vì thế, riêng việc soạn, đọc văn bản và họp hành đã ngốn hết thời gian làm việc.
Tiến độ là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công việc. Phải chờ đợi đến lỡ thời cơ, hỏng việc thì vừa gây thiệt hại trực tiếp, vừa khiến người dân, cấp dưới và doanh nghiệp, nhất là đối tác nước ngoài chán nản, bức xúc ... Hậu quả khôn lường!
Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành từ tháng 9-2021 tại Kết luận số 14-KL/TW. Chính phủ đang dự thảo nghị định quy định cụ thể về nội dung này. Nhưng hiện nay "bệnh" sợ trách nhiệm đến mức vô trách nhiệm đang đặc biệt nghiêm trọng!
Bởi thế, không chỉ khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mà chúng ta đang rất cần "thuốc đặc trị bệnh sợ trách nhiệm", như: Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm từng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là khâu trung gian; quy định rõ thời hạn giải quyết công việc; kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân tìm cách vặn vẹo, bắt bẻ người dân, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở những lỗi không bản chất, rồi lại tấu lên cấp trên là "chưa ổn". Người đứng đầu cũng cần hết sức tỉnh táo, lắng nghe nhiều phía, khơi gợi cho cơ sở "dám mở miệng" nói lên sự thật về một nền hành chính còn quá nhiều thủ tục phiền hà; còn quá nhiều cán bộ trung gian không vì việc chung, không vì cơ sở mà thích ra oai, thậm chí là vòi vĩnh. Đó không còn là sợ trách nhiệm nữa mà là vô trách nhiệm, cần xem xét lại tư cách, mạnh tay kỷ luật, sa thải những cán bộ công chức ấy.
HUY QUANG