• :
  • :

Vô tâm bán cả... đường làng

Hoàng là bạn thân của tôi từ hồi đại học. Ra trường, Hoàng làm việc và xây dựng gia đình ở Thủ đô, nhưng vẫn là người nặng tình với làng quê. Làng chỉ cách Thủ đô mấy chục cây số nên cứ đến cuối tuần, Hoàng thường lái xe về quê. Mỗi lần từ quê ra, Hoàng lại sang nhà tôi uống nước. Bên ấm trà mạn, cậu có cả tá chuyện để “khoe” về ngôi làng của mình.

Nhưng lần này, Hoàng thật khác. Vừa ngồi xuống ghế, Hoàng đã thở dài, gương mặt đăm chiêu, lông mày đôi lúc nhíu lại đầy khó chịu. Vừa hãm ấm trà, tôi vừa đùa:

- Nay cậu bị vợ mắng hay sao mà mặt như mất sổ gạo thế?

Hoàng đáp:

- Còn hơn cả mất sổ gạo cậu ạ! Mất thật rồi, mất hết.

Tôi sốt sắng:

- Ôi, tớ đùa mà thật à! Nhà cậu mất cái gì, có nhiều lắm không?

Hoàng phân trần:

- Nhà tớ không mất gì nhưng cả làng tớ mất, mất sạch rồi!

Tôi thắc mắc:

- Vô lý, làng cậu thì mất gì? Tuần nào về quê, cậu chẳng khoe làng cậu đẹp lắm, giàu lắm. Hơn chục năm nay, khu công nghiệp về làm thay đổi bộ mặt làng quê. Nhà nhà xây phòng trọ đón công nhân, người người có việc làm. Chi bộ, chính quyền, bà con trong thôn còn đang háo hức chuẩn bị xây cổng chào to nhất xã...

Vừa nghe tôi nhắc đến cổng chào, Hoàng than phiền với giọng bức xúc:

- Thì đấy, cũng vì cái cổng chào mà cái tổ con tò vò nó mới vỡ ra. Bà con làng tôi vừa đồng thuận nhất trí ý kiến lên xã để dựng cổng chào thì chẳng biết ở đâu ra mấy người trong ban quản lý khu công nghiệp đến ngăn cản. Họ bảo cổng chào của làng phải đặt sâu vào trong làng, còn trục chính con đường này nằm trong quy hoạch đất của khu công nghiệp đã được phê duyệt. Họ còn mang cả bản đồ quy hoạch ra chỉ rõ địa giới khu công nghiệp cắt ngang mất dấu đường của làng, chồng lấn lên một phần đất của đình, chùa nằm ngay đầu làng. Bà con thấy vậy không đồng ý, làm căng lên. Cuối cùng, bên ban quản lý khu công nghiệp nói cổng chào có thể dựng nhưng bà con nhớ là khu công nghiệp cho dựng nhờ, đường làng cũng không còn, đây là đường họ cho đi nhờ. Cậu nghe vậy có được không?

Nghe Hoàng nói, tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện, chia sẻ cùng bạn:

- Có phải cổng chào dự định nằm ngay đoạn đầu đường, đợt tớ về đưa tang bố cậu, xe tang qua chỗ đó, mọi người dừng lại nghỉ ngơi, tiễn biệt người đã khuất?

Hoàng thở dài:

- Cậu nhớ đúng đấy. Hôm đối thoại với ban quản lý khu công nghiệp, có cả cụ Chử, người cao niên trong làng, từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Cụ bảo với các cán bộ địa phương và ban quản lý khu công nghiệp: “Người dân làng tôi bao năm cày cấy, sinh ra và lớn lên từ làng. Con đường này, tổ tiên, ông cha chúng tôi đã bao đời bồi đắp. Người đi trước dẫn lối người đi sau. Ngày trước, người ta bán đất, bán cả đường làng, chúng tôi không hề hay biết. Giờ chúng tôi chỉ mong các cán bộ kiến nghị lên cấp trên, nếu không ảnh hưởng đến đất của khu công nghiệp thì trả lại cho dân làng con đường này. Chúng tôi không thể mang tiếng đi nhờ đường của mình được”.

Tôi vẫn nhớ, bố Hoàng khi còn sống từng kể đó là một trong những làng cổ của Đồng bằng Bắc Bộ. Đình làng hiện nay vẫn còn lưu giữ cuốn thần tích chép lại từ triều Lê kể về sự tích thành hoàng làng được thờ phụng từ thời nhà Trần. Một ngôi làng có nguồn gốc hàng trăm năm lịch sử, con đường làng cũng từng chứng kiến bao thăng trầm, dấu tích của thời gian. Cảnh đưa tiễn người ra trận, người công thành danh toại về làng cũng đều qua lối trên con đường ấy.

Con đường quê nhà Hoàng không chỉ là đường đi đơn thuần nữa mà còn là dấu tích lịch sử, văn hóa của đất và người nơi đây. Thế mà chỉ vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ trong khi quy hoạch, khu vực đường làng và một phần đất đình, chùa nằm cả trong dự án của khu công nghiệp. Xưa nay, nhà không thể không có cổng ngõ, làng không thể không có đường đi. Quy hoạch đất cho khu công nghiệp như quê bạn tôi, ai đã vô tâm bán cả đường làng?

NGUYÊN ĐỨC

Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết