• :
  • :

Chờ!

Chờ! Trạng thái tâm lý ấy đang hiện diện ở một bộ phận cán bộ, công chức và tổ chức trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp.

Đơn vị, địa phương thì chờ Trung ương điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách! Cấp dưới chờ chỉ đạo của cấp trên! Cán bộ, công chức, doanh nhân chờ người khác, đơn vị khác làm rồi mới làm... Kiểu chờ mang tính dây chuyền ấy là tác nhân cục bộ kìm hãm sự phát triển. Trong những phân khúc nhất định của đà phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, sự chờ ấy khiến nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp bỏ qua những cơ hội “vàng” để bứt phá vượt lên!

Nói về cái sự chờ ấy, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh chiều 27-11, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố nhấn mạnh: Người dân đang muốn chứng kiến hệ thống chính trị bật dậy, xốc tới, lăn xả như khi chống dịch, nhưng thực tế thì vẫn còn có sự e ngại, chần chừ, lo sợ của không ít cán bộ...

 Ảnh minh họa internet

Có tâm lý ấy là bởi một bộ phận cán bộ có biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm nên cầu an, làm việc cầm chừng, không dám sáng tạo, không dám chịu trách nhiệm. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 11 tháng năm 2022 đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thực tế đang phát sinh nhiều bất cập trong chỉ đạo, quản lý, điều hành... Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì năm 2023, dự báo kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức hiện nay là việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, sau 5 năm triển khai, thực tế đặt ra nhiều nội dung, giải pháp cần điều chỉnh, bổ sung, thay thế...

Đường lối, chính sách có vai trò dẫn dắt đời sống kinh tế-xã hội và chính đòi hỏi từ thực tế là căn cứ để điều chỉnh chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành một chính sách mới, nhất là cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, không thể là việc làm nhanh, làm ngay. Nó đòi hỏi phải có quá trình đúc kết, tổng kết thực tiễn căn cơ, bài bản bằng các luận cứ khoa học.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, một số địa phương khác có vai trò là động lực phát triển ở các vùng, khu vực kinh tế trên cả nước, cũng đang được Trung ương cho thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù. Nội hàm của cơ chế đặc thù là những chính sách, giải pháp dành riêng cho địa phương đó, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, huy động tiềm lực thực hiện thành công các chương trình, dự án, công trình trọng điểm. Việc áp dụng thí điểm nghĩa là chính sách phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, không thể áp dụng đại trà, không thể “pha loãng” cơ chế, không thể nằm ngoài các quy định pháp luật.

Như vậy, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, bên cạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách ở tầm vĩ mô, nhân tố quyết định vẫn là tinh thần chủ động, năng động từ thực tiễn, từ cơ sở. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định đẩy nhanh đà phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 là tinh thần bật dậy, xốc tới, xả thân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu. Tinh thần ấy đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một cách rất cụ thể khi kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư công tại TP Hồ Chí Minh ngày 27-11: “Đã bàn, đã nói là làm; đã cam kết, đã hứa là phải thực hiện; đã thực hiện thì phải có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp...”.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, đó là tinh thần chung của cả nền kinh tế, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp!

Muốn đạt được tinh thần ấy, phải bắt tay vào làm. Không thể chờ!

PHAN TÙNG SƠN

Tags: Chờ
Lượt xem: 13
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết