• :
  • :

Cai nghiện kỹ thuật số

Trong thời đại mà thiết bị kỹ thuật số trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, con người cũng ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào máy móc.

Từ giao tiếp xã hội, tìm kiếm thông tin cho đến học tập, giải trí... mọi hoạt động đều có thể được thực hiện thông qua điện thoại, máy tính kết nối internet. Cuộc sống với những tương tác trực tiếp giữa con người với con người dần bị xem nhẹ.

Trước thực tế này, một ngôi làng ở Ấn Độ đã kêu gọi 15.000 cư dân thực hiện chiến dịch “cai nghiện kỹ thuật số” với mong muốn họ có thể điều chỉnh lại thời gian sử dụng những thiết bị điện tử và mạng xã hội, tập trung hơn vào các tương tác thực và tận hưởng cuộc sống thật ý nghĩa.

Thiết bị kỹ thuật số dễ gây nên tình trạng lệ thuộc và chi phối cuộc sống. Ảnh: AP 

Theo chia sẻ của ông Raju Magdum, trưởng làng Mangaon, bang Maharashtra, Ấn Độ, toàn bộ người dân trong làng từ người lớn đến trẻ nhỏ đều đang dành quá nhiều thời gian “dán mắt vào màn hình” mỗi ngày. Hàng xóm không còn trò chuyện với nhau, trẻ em không tập trung vào học tập và việc hạn chế trò chuyện trực tiếp giữa người với người khiến các em thiếu kỹ năng giao tiếp.

Vì vậy, từ ngày 8-3, làng Mangaon thực hiện chế độ “cai nghiện kỹ thuật số” trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút hằng ngày. Trong thời gian này, các cư dân sẽ tắt các thiết bị như ti vi, điện thoại, máy tính... Việc tuân thủ là tự nguyện, nhưng nếu một gia đình liên tục phớt lờ quy định, chính quyền địa phương sẽ sử dụng biện pháp tăng thuế đất như một hình thức “phạt” cảnh cáo.

Dịch Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả đối với nền kinh tế và cũng góp phần thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của người dân như: Làm việc, học tập, giao tiếp, giải trí... Cũng bởi vậy mà các hoạt động trên Internet bỗng chốc chiếm nhiều thời gian của con người hơn bao giờ hết.

Hiện nay, số người tham gia các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube... tăng tới mức chóng mặt, đa số là giới trẻ, có ưu thế về tiếp nhận công nghệ mới, ít có thói quen đọc sách báo giấy và chỉ quen lướt web đọc tin tức. Việc sử dụng mạng xã hội tăng dẫn đến hệ lụy là giảm dần thú vui trao đổi bằng lời với nhau mà tận dụng mọi lúc, mọi nơi để chăm chút cho thế giới ảo trên điện thoại, vi tính hay iPad. Nhiều người phụ thuộc đến nỗi không thể một ngày thiếu điện thoại và mạng xã hội, dành hẳn 18 giờ/ngày “phục vụ” nó. 

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Cyberpsychology, Behavior and Social Networking đã chỉ ra rằng 6% dân số thế giới hiện nay đang bị nghiện internet. Trong khi đó, theo Forbes, trên thế giới có 210 triệu người mắc chứng nghiện mạng xã hội. Chứng nghiện này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần mà còn có thể tác động tới hành vi và phương thức con người tương tác với thế giới thật. Người nghiện có thể mất nhận thức về thời gian hay bỏ qua các nhu cầu cơ bản hằng ngày của họ như ăn uống, ngủ, nghỉ. Giống như các chứng nghiện khác, người nghiện internet, mạng xã hội cũng cảm thấy tức giận hoặc buồn bã bất thường.

Được biết, ý tưởng về việc "cai nghiện kỹ thuật số" đã được áp dụng từ năm 2022 tại quận Sangli, khu vực tiếp giáp với Mangaon. Tại đây, 5 ngôi làng đã ra lệnh cấm sử dụng ti vi và điện thoại trong vòng 1 giờ đồng hồ mỗi ngày vì những lo ngại thiếu tương tác xã hội trong cộng đồng cư dân. Hầu hết các ngôi nhà trong làng không đủ lớn để có phòng học riêng cho trẻ em. Do vậy, nếu cha mẹ sử dụng điện thoại di động và tivi sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tập trung vào việc học của trẻ.

“Đã khoảng 6 tháng trôi qua và tôi thấy nhiều cuộc trò chuyện và tiếng cười hơn. Người trong gia đình tương tác với nhau, giao tiếp xã hội cũng tốt hơn. Toàn bộ bầu không khí trở nên vui vẻ và náo nhiệt vào lúc 19 giờ hằng ngày, nhưng bằng cách nào đó, điều này không làm bọn trẻ mất tập trung nhiều như điện thoại và tivi. Mọi người kết nối và đó chính xác là mục đích của chiến dịch này”, Jitender Dudi, một quan chức Ấn Độ quản lý quận Sangli cho hay.

Công nghệ càng phát triển, số người sở hữu các thiết bị kỹ thuật số càng nhiều. Sự cám dỗ của những thông tin nhanh, những mạng xã hội ảo ngày càng khiến giá trị tốt đẹp từ văn hóa giao tiếp bị xem nhẹ, thả nổi. Cũng chính điều này đặt ra thách thức đối với các quốc gia trong việc quản lý, hạn chế tác hại của internet và công nghệ kỹ thuật số.

Tại một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc hay Mỹ, ngày càng xuất hiện nhiều trung tâm trợ giúp và điều trị cai nghiện cho các thanh thiếu niên. Các trường học cũng giới thiệu những chương trình đặc biệt để nỗ lực phòng ngừa trẻ em nghiện internet ngay từ giai đoạn đầu. Đây là những điều cần thiết để thế hệ tương lai có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng công nghệ phục vụ cuộc sống, thay vì để công nghệ chi phối con người.

HÀ HÙNG

Lượt xem: 12
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết