• :
  • :

Xu thế đào tạo đa ngành

Năm 2024, với xu thế không chỉ đào tạo các ngành chuyên biệt, nhiều trường mở hàng loạt ngành học mới, hướng tới đào tạo đa ngành. Trong giai đoạn ôn tập “nước rút” cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển đại học 2024, thí sinh không chỉ nắm chắc thông tin về kỳ thi mà cần có chiến lược chọn ngành học phù hợp.

Bám sát quy trình

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên, TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn đặc biệt lưu ý các thí sinh cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra, các em có thể rèn luyện theo các đề thi dựa trên cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp nhưng dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học), TS Lê Mỹ Phong lưu ý, nếu các em chỉ muốn dự thi 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi. Trường hợp thí sinh thi môn thành phần đầu tiên và sau cùng thì thời gian chờ ở đâu... Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh tự do có thể được chọn môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng cũng không được đồng thời chọn môn thi thành phần của cả hai bài thi tổ hợp.

Nhấn mạnh một số điểm quan trọng khi xét tuyển đại học năm 2024, cao đẳng năm 2024, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: "Toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Thí sinh có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu với phương tiện là máy tính kết nối internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này".

Thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2024. 

Việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học cũng là vấn đề nhiều thí sinh băn khoăn. Theo đó, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và không được bỏ lỡ thời hạn xét tuyển. Dù các em được thông báo trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm thì đây chưa phải là trúng tuyển đại học, bởi các em chưa tốt nghiệp THPT nên chưa thể trúng tuyển chính thức.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của thí sinh dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường.

Nhiều ngành học mới ra đời

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024 chứng kiến sự xuất hiện của nhiều ngành học mới, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh. PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa khuyên thí sinh nên chọn ngành phù hợp với năng khiếu và năng lực của bản thân hơn là ngành “hot”, cân nhắc cơ hội phát triển của ngành trên thị trường hiện tại. Đồng thời, việc lựa chọn những ngành học “khó khăn” nhưng thí sinh có tài năng sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước và Bộ GD-ĐT muốn khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Trong số 15 ngành mới được mở ra, Trường Đại học Phenikaa đã mở 2 chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này là Thiết kế vi mạch bán dẫn và ngành Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói. Đây là lĩnh vực rộng lớn, mang lại cơ hội việc làm đa dạng và phong phú cho các sinh viên quan tâm.

PGS, TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thí sinh nên lựa chọn ngành học theo hướng tiếp cận liên ngành: “Học rộng để có nền tảng vững chắc, trước khi đi sâu một nhánh nào đó. Để thực hiện lộ trình này, thí sinh nên tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo muốn học". TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cũng cho rằng xu thế hiện nay là đào tạo liên ngành, ngoại ngữ gắn với một ngành nào đó để tăng tính ứng dụng.

Mỗi năm, có khoảng 600.000 thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học, nhưng chỉ 80% các em nhập học chính thức. Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất, khoảng 5-7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Thí sinh và cha mẹ cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, tránh những lựa chọn sai hay chưa phù hợp.

Bài và ảnh: THU HÀ

Tags: Đào tạo
Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết