• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Lạm phát học sinh giỏi "quốc tế"

“Năm nay, họ nhà mình có tới hơn chục học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế đấy. Quỹ khuyến học không đủ chi đâu. Mong ông tài trợ thêm và về trao giải”.

Nhận được tin nhắn trên của ông trưởng dòng họ, tôi rất mừng vì con cháu trong dòng tộc của mình giỏi quá. Thế nhưng tôi cũng không khỏi nghi ngờ, sao nhiều học sinh giỏi quốc tế đột biến đến thế? Tôi nhờ ông trưởng họ chụp lại các văn bằng, chứng chỉ thành tích thì đúng là trong các bằng (giấy) chứng nhận in bằng tiếng Anh đều có cụm từ “giải quốc tế”.

Có bằng còn ghi rõ “huy chương vàng quốc tế”. Thế nhưng xem cơ quan (tổ chức) cấp thì chỉ là một tổ chức hoặc doanh nghiệp của một nước trong khu vực.

Truy cập website của một số trường tiểu học và trung học cơ sở, tôi giật mình bởi nhiều trường có tới hàng trăm học sinh giỏi quốc tế, trong đó có hàng chục huy chương vàng. Cũng trên website của các trường đó đăng tải những thông tin liên quan đến các kỳ thi quốc tế và kỳ thi nào cũng đều phải nộp lệ phí thi, hướng dẫn vào các lớp ôn tập cho kỳ thi. Có kỳ thi được tổ chức ở xa, học sinh và phụ huynh phải đi bằng máy bay. Lẽ dĩ nhiên, chi phí cho việc đi lại này đều do các phụ huynh gánh chịu.

Không chỉ lạm phát học sinh giỏi quốc tế mà các danh hiệu ngày xưa là của hiếm thì nay cũng thấy khá nhiều như: Học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến gần như trở thành đại trà ở khắp nơi. Thậm chí có trường còn không có học sinh trung bình, có lớp 100% học sinh giỏi.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc lạm phát học sinh giỏi bắt nguồn từ bệnh thành tích trong giáo dục. Vì muốn đánh bóng uy tín của cơ sở giáo dục, một số lãnh đạo nhà trường và một bộ phận giáo viên muốn “kê cao, kích bổng” thành tích của trường mình, lớp mình bằng số lượng học sinh giỏi.

Các phụ huynh học sinh cũng muốn con của mình có thành tích cao để vẻ vang với quê hương, bè bạn, dòng tộc nên sẵn sàng chi tiền cho con tham dự các cuộc thi. Nắm bắt được nhu cầu này, một số tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng tổ chức thi học sinh giỏi quốc tế mà thực chất là đầu tư kinh doanh "một vốn bốn lời". Cũng nhờ có các cuộc thi này mà các thầy, cô giáo có thêm thu nhập qua việc tổ chức các lò luyện.

Cách đây gần 20 năm, vào năm 2006, ngành giáo dục đã mở cuộc vận động "2 không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động này, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nhiều địa phương sụt giảm đột ngột, có trường chưa đạt 15%. Thế nhưng chỉ vài năm sau đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT lại dâng lên mức phổ biến hơn 90%. Ở một số tỉnh, thành phố có tới 99% học sinh tốt nghiệp. Phải chăng do học sinh “học giỏi đột biến” hay bệnh thành tích trong giáo dục lại tái phát và không có khả năng ngăn chặn, chữa trị?

ĐỖ PHÚ THỌ