Khơi thông dòng phim Nhà nước đặt hàng
Tác phẩm điện ảnh đầu tư theo hướng nào thì điểm đến vẫn phải là công chúng, đóng góp vào tiến bộ, phát triển của xã hội, đó là thước đo ý nghĩa nhất.
Các nhà quản lý, chuyên gia, người làm nghề đã cùng góp ý kiến, với mong muốn có thể phát huy tốt nhất những giá trị của phim Nhà nước đặt hàng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông: Từ hiệu ứng của phim “Đào, phở và piano”, có thể thấy tác phẩm Nhà nước đặt hàng muốn có sức lan tỏa cần phải được tiếp cận công chúng thông qua nhiều kênh phân phối.
Sau thời gian phát hành, phổ biến thí điểm này, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách nhà nước, hướng tới thực hiện hài hòa các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển điện ảnh và thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ số, kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, ngành văn hóa cũng chú trọng sử dụng công cụ truyền thông hiện đại, sự lan tỏa của không gian mạng, tận dụng thế mạnh của điện ảnh để giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
-------------------
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Không phải các bộ phim do Nhà nước đặt hàng không có thị trường, không nhận được sự quan tâm của khán giả. Những gì mà chúng ta thiếu là một định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa. Công nghiệp điện ảnh thì cần phải chú trọng vào 4 yếu tố: Tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh điện ảnh. Con người, cụ thể ở đây là tài năng của nghệ sĩ bao giờ cũng là nguồn lực quan trọng nhất.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn |
Theo tôi, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp (như về thuế, phí, quản lý, sử dụng tài sản công) để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất, phát hành phim. Cần lưu ý nhiều hơn đến việc sản xuất những bộ phim chất lượng bằng cách hợp tác với các đạo diễn, biên kịch và diễn viên tài năng, có thương hiệu.
Sử dụng tốt hơn các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok để tạo ra sự chú ý và tạo dựng thương hiệu cho các dự án phim, kết nối với đối tượng khán giả mục tiêu. Cần có một kế hoạch tiếp thị và quảng bá hiệu quả để bảo đảm rằng, các dự án phim Nhà nước được biết đến rộng rãi, thu hút khán giả. Cuối cùng là tạo ra nội dung phim mang tính cảm hứng và phản ánh gần gũi, chân thực về đời sống xã hội, từ đó thu hút sự quan tâm và kích thích phản hồi từ khán giả.
-------------------------
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Nên có sự thay đổi trong việc cấp ngân sách làm phim hằng năm, đồng thời đi kèm với cơ chế quản lý chất lượng và phát hành phim để thu hồi vốn. Cũng nên có cơ chế kiểm duyệt mềm mại tôn trọng nhà sản xuất, nghệ sĩ, tác phẩm và hành xử theo Luật Điện ảnh.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng |
Muốn bộ phim hấp dẫn, phát hành được thì nên có cơ chế kiểm duyệt chuẩn với luật. Ngoài ra, không phải kinh phí lớn thì phim hay, dù Việt Nam hay quốc tế cũng vậy. Kinh phí đủ, kịch bản tốt, diễn viên tốt, team chuyên nghiệp, đạo diễn có nghề là ổn. Phim lịch sử và chiến tranh đều cần những cảnh quay đã mắt và hoành tráng. Về diễn viên, có thể mời những ngôi sao tên tuổi từ nước ngoài tham gia, nếu cần.
---------------------------
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD): Theo tôi, Nhà nước luôn phải duy trì hai hình thức: Thứ nhất, hỗ trợ không hoàn lại cho nhà làm phim thực hiện các đề tài thiết yếu, có giá trị về văn hóa, lịch sử...
Có thể xem khoản hỗ trợ không hoàn lại này như một khoản chi phí đầu tư cho văn hóa, bản sắc quốc gia, tương tự như cách nhiều quốc gia khác trên thế giới đang làm. Việc đầu tư này mang lại lợi ích lâu dài về mặt tinh thần và góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Thứ hai, Nhà nước cần tạo ra những cơ chế vận hành phù hợp để công nghiệp văn hóa hoạt động hiệu quả. Nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận nó theo đúng cấu trúc của một nền công nghiệp, để mọi thứ thật sự rõ ràng, nếu không, nó vẫn là cơ chế xin-cho. Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình nhưng có thể đi vay để sản xuất được.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh |
Để xây dựng được công nghiệp văn hóa, phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường... Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa.
Ví dụ, BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cà phê thôi, vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận, nếu giá thuê cao, cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh tranh được...
VIỆT LAM - MAI AN (thực hiện)