• :
  • :

Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với Nhân dân

Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ thành phố Hà Nội (Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước), đội ngũ làm công tác dân vận của Thủ đô luôn phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng; đóng góp quan trọng vào việc giữ ổn định chính trị và tạo sự đồng thuận xã hội; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Giải quyết các điểm "nóng", những vấn đề phức tạp

Sau gần 40 năm cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Công tác dân vận chính quyền đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, kỷ cương, kỷ luật hành chính; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm phục vụ Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân được nâng lên.

Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được duy trì tốt, góp phần mở rộng dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội thi “Dân vận khéo” quận Hoàng Mai đã tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên cán bộ dân vận nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Hội thi “Dân vận khéo” quận Hoàng Mai đã tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên cán bộ dân vận nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Phát huy vai trò của gần 5.000 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố trong công tác nắm, dự báo tình hình dư luận xã hội, hệ thống dân vận toàn thành phố đã phối hợp giải quyết các điểm nóng, những vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn; vận động Nhân dân tin tưởng, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện với tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố năm 2023 là 13.663 mô hình, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân.

Kết quả mà hệ thống dân vận toàn thành phố đạt được đã đóng góp tích cực vào những thành tựu quan trọng, toàn diện của Đảng bộ Thủ đô trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới cùng đất nước.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công tác dân vận; phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng… nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quá trình thực hiện đã phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác dân vận.

Thành phố cũng đã đúc rút nhiều kinh nghiệm hay, sáng tạo, nhất là trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình mới theo Chỉ thị số 10-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa IX), như: Quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản; quản lý xây dựng, trật tự đô thị; quản lý chợ, trường học ngoài công lập; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đặc biệt, phát huy vai trò của công tác dân vận trong tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, hệ thống dân vận thành phố, nhất là những địa phương có dự án đi qua đã khảo sát, nắm tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Qua đó, đã kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy về tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trong thời gian ngắn.

Thành ủy Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân Thủ đô tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thành phố. Định kỳ hằng quý, Thường trực Thành ủy đều tổ chức hội nghị giao ban với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở, công tác dân vận đã đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Điển hình, tại huyện Sóc Sơn, triển khai phong trào thi đua dân vận khéo, từ năm 2021 đến nay, huyện đã có 142 mô hình, điển hình đăng ký và công nhận đạt cấp huyện, 1.041 mô hình, điển hình cấp cơ sở và 2 mô hình được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. 2 mô hình "Dân vận khéo" của huyện cũng được lựa chọn, đăng trong cuốn sách "Dân vận khéo trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" do Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội phát hành.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền nên nhân dân thông suốt về chủ trương, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Vành đai 4, từ đó rất đồng tình, ủng hộ

Nhờ làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền nên Nhân dân thông suốt về chủ trương, ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Vành đai 4, từ đó rất đồng tình, ủng hộ

Từ năm 2021 đến nay, huyện Sóc Sơn đã tổ chức 81 cuộc đối thoại định kỳ, trong đó có 78 hội nghị cấp xã với tổng số 1.009 ý kiến; 3 hội nghị đối thoại cấp huyện với tổng số 100 ý kiến. Đặc biệt, đã có hơn 40 cuộc đối thoại đột xuất nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn huyện…

Huyện Sóc Sơn cũng đã đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của các cấp, ngành… góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm văn bản hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạn chế tiêu cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức và Nhân dân.

Tương tự, tại huyện Đông Anh, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường, qua thực tiễn triển khai công tác dân vận cho thấy hiệu quả thiết thực từ việc phát động và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Trong năm 2024, huyện Đông Anh sẽ phát động những phong trào thi đua yêu nước thiết thực, phấn đấu sớm đạt các chỉ tiêu, tiêu chí huyện trở thành quận, xã thành phường. Trong đó, huyện sẽ thường xuyên động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Chỉ đạo công tác dân vận năm 2024, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong lưu ý, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ tháng 7/2023, do đó, các địa phương, đơn vị cần triển khai Luật theo hướng hiệu quả, thực chất; trong đó, chú trọng việc tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò của các tổ dân vận ở cơ sở quan tâm, tạo điều kiện để các tổ dân vận hoạt động hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần quan tâm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân vận; làm tốt công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng triển khai các dự án lớn của thành phố; cần gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô.

Lượt xem: 3
Tác giả: Trí Nhân
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...