• :
  • :

Báo động xu hướng gia tăng bệnh nhân suy thận ở Singapore

Cách đây 2 năm, Jane bị sốc khi bác sĩ thông báo bệnh suy thận của cô chuyển biến xấu và có khả năng phải chạy thận nhân tạo. Trước đó, Jane được chẩn đoán mắc bệnh thận mãn tính giai đoạn 4, một thông tin khiến cô sửng sốt vì cô thấy sức khỏe bình thường và không có triệu chứng gì.

Giờ đây, ở tuổi 49, Jane tự hỏi sẽ đối mặt với việc chạy thận thế nào, liệu cô còn tiếp tục làm việc được hay không, và tương lai sức khỏe của cô sẽ ra sao.

Với ông Lincoln, bệnh tiểu đường và suy thận giai đoạn 1 được phát hiện từ 5 năm trước. Ông bắt đầu ăn kiêng theo hướng dẫn, uống thuốc theo đơn và thường xuyên tái khám. Đến nay, tình trạng bệnh vẫn được kiểm soát và sức khỏe của ông khá ổn định.

CNA dẫn thống kê của Hệ thống dữ liệu về bệnh thận của Mỹ cho hay, Singapore có tỷ lệ người mắc bệnh suy thận cao thứ hai thế giới. Với bệnh nhân suy thận nặng, phương pháp điều trị bắt buộc là chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Trong hai thập kỷ qua, số bệnh nhân chạy thận ở Singapore đã tăng hơn gấp đôi, từ 3.197 bệnh nhân năm 2002 lên 8.878 bệnh nhân vào năm 2022. Trung bình mỗi ngày tại Singapore có 6 bệnh nhân phải chạy thận.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại một trung tâm y tế ở Singapore. Ảnh: CNA 

Theo Quỹ thận quốc gia Singapore, mỗi năm đảo quốc chi khoảng 300 triệu đô-la Singapore cho việc chạy thận nhân tạo. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: Khoảng 500.000 người Singapore mắc bệnh thận và có nguy cơ tiến triển thành suy thận mãn tính. Xu hướng đáng báo động này chủ yếu do tình trạng dân số già, cùng với việc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao và béo phí. CNA nhận định, đây là kết quả của “sự sung túc ngày càng tăng” cũng như những thay đổi về lối sống hiện đại diễn ra trong nhiều thập kỷ. Ngoài tác động tức thì đến sức khỏe, suy thận còn gây ra gánh nặng về thời gian và tài chính cho gia đình bệnh nhân và xã hội. Chạy thận nhân tạo thường phải thực hiện 3 lần một tuần, mỗi lần kéo dài từ 3 đến 5 tiếng, khiến nhiều người khó duy trì được việc làm toàn thời gian.

Uớc tính 90% bệnh nhân suy thận không nhận thức được tình trạng của mình do bệnh không có triệu chứng, vì thế người ta gọi suy thận là “kẻ giết người thầm lặng”. Theo giới chuyên môn, một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn tới căn bệnh này là chế độ ăn nhiều natri-thành phần chính trong muối ăn. Người Singapore tiêu thụ trung bình 3.600mg natri mỗi ngày, gần gấp đôi giới hạn khuyến nghị hằng ngày của Tổ chức Y tế thế giới là dưới 2.000mg natri, do thói quen bổ sung thêm muối, nước sốt và gia vị trong văn hóa ẩm thực địa phương. Đây là hồi chuông cảnh báo để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức về bệnh suy thận, nhằm ngăn ngừa từ sớm “kẻ giết người thầm lặng” này.

HIỀN MINH

Tags: suy thận