• :
  • :

Xóa tan nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm trường học

Bên cạnh việc duy trì nề nếp học tập và sinh hoạt của học sinh, công tác bán trú cũng luôn được các trường học trên địa bàn Hà Nội chú trọng.

Phụ huynh sát sao

Tại trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình, Hà Nội), cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, ổn định nề nếp cho học sinh, một trong những vấn đề được nhà trường đặc biệt chú trọng khi học sinh đi học là thực hiện tốt công tác bán trú.

Đại diện Ban giám hiệu cùng đại diện ban Phụ huynh nhà trường trực tiếp giám sát khâu nhận và sơ chế thực phẩm phục vụ công tác bán trú.

Đại diện BGH cùng đại diện ban phụ huynh trực tiếp giám sát khâu nhận và sơ chế thực phẩm phục vụ công tác bán trú ở trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba

Nhà trường luôn đề ra mục tiêu tổ chức bán trú vừa đảm bảo việc học tập của các em học sinh, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh. Không chỉ vậy, việc tổ chức bán trú giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc dạy hai buổi một ngày, hoàn thành tiến độ chương trình và đảm bảo chất lượng dạy học.

Công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức bán trú được nhà trường xây dựng kế hoạch để sẵn sàng thực hiện, đáp ứng kịp thời yêu cầu của phụ huynh. Sau khi có số liệu đăng ký bán trú, BGH nhà trường đã triển khai dựa trên nhu cầu của phụ huynh học sinh.

Khâu giám sát nhận và chế biến thực phẩm được duy trì hàng ngày. Đại diện BGH và đại diện phụ huynh học sinh nhà trường đã tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình sơ chế thực phẩm tại bếp ăn, thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba luôn thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành giáo dục. Nhà trường ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ tại lớp học, giãn cách tối đa theo điều kiện của từng lớp. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn; đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe cho học sinh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Vụ việc hàng trăm học sinh Trường Hội nhập quốc tế iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường, trong đó có 1 trẻ tử vong khiến các bậc phụ huynh thêm hoang mang, lo lắng.

Để hạn chế các sự việc đáng tiếc xảy ra, bảo vệ sức khỏe của học sinh, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm khi đưa trẻ đến trường, thời gian qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú trường học.

Tại trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội), công tác này được nhà trường đặc biệt chú trọng, sát sao. Hàng ngày, vào 6h sáng, khi xe thực phẩm đến trường cũng là lúc đại diện hội phụ huynh nhà trường có mặt để kiểm tra khâu giao - nhận. Nhiều năm qua, hội phụ huynh nhà trường đã duy trì hoạt động giám sát độc lập này.

Anh Bạch Ngọc Đức, một người dân ở phường Văn Yên, quận Hà Đông, cho biết: "Chúng tôi thường kiểm tra đột xuất để khách quan nhất khi kiểm tra thực phẩm. Thực phẩm có đúng như nhà trường niêm yết không, thực phẩm có tươi ngon không. Chúng tôi đều ghi nhận, phản hồi cho ban giám hiệu".

Bà Phương Thị Thìn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên chia sẻ: Với sĩ số cao, áp lực đảm bảo an toàn thực phẩm của nhà trường là rất lớn. Về phía nhà trường, việc giám sát công tác tổ chức bữa ăn học đường luôn được đặt trong trạng thái thường nhật và được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Hàng ngày, từ 5h30 sáng, Ban giám hiệu đã phân công lãnh đạo, giáo viên có mặt tại trường để kiểm tra xem nhãn hàng, tem mác định lượng khẩu phần ăn của học sinh. Tiếp theo là quá trình sơ chế, nhà trường cũng phải thường xuyên có người giám sát, đặc biệt là bộ phận y tế.

Gần một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ đã kiểm tra được 62 bếp ăn bán trú trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường THCS. Qua công tác kiểm tra, ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được cải thiện.

Cụ thể, có 55/62 trường với tỷ lệ 89% có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tỷ lệ nhân viên có kiến thức về an toàn thực phẩm đạt 91%; 93% cán bộ quản lý và nhân viên nấu ăn có giấy chứng nhận bảo đảm sức khỏe. Các trường có đầy đủ hợp đồng mua bán thực phẩm đầu vào và hợp đồng trách nhiệm giữa nhà trường với các đơn vị công ty cung ứng; nhân viên được khám sức khỏe định kỳ, có kiến thức an toàn thực phẩm.

Trong năm học 2022-2023, quận Nam Từ Liêm có 100 trường học với tổng số hơn 84.000 học sinh. Với một lượng học sinh lớn, việc quản lý bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: Những năm qua, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc cung cấp, chế biến suất ăn. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, quận đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho học sinh.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên. Kiểm tra cho thấy, hầu hết các trường đều chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.

Lượt xem: 53
Tác giả: Ngọc Minh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...