• :
  • :

Bài 1: Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm

Lời dẫn: Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, nhiều địa phương của Hà Nội đã làm tốt công tác cán bộ, nhất là việc điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm tăng cường cho các địa bàn khó khăn, phức tạp. Qua đó giúp cán bộ có điều kiện, môi trường rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, phát triển nhanh và toàn diện hơn. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm được chỉ ra sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.

Cán bộ cơ sở là hạt nhân chính trị, là “sợi dây để liên hệ Đảng với quần chúng”. Việc đưa cán bộ luân chuyển về cơ sở, “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”, đang tạo chuyển biến rõ rệt tại huyện Sóc Sơn và quận Đống Đa của Thủ đô Hà Nội.

Tăng cường cho nơi khó khăn, phức tạp

Vì nhiều lý do, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) mặc dù được quy hoạch vào vị trí lãnh đạo chủ chốt của chính quyền xã, nhiệm kỳ 2021-2026, nhưng lại không trúng cử tại kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND), diễn ra tháng 5/2021. Đồng chí Nguyễn Nam Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, ngay khi đó, huyện đã chỉ đạo phương án kiện toàn nhân sự tại chỗ.

“Phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND lên làm Chủ tịch UBND. Một đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã lên làm Chủ tịch HĐND. Nhưng do căng thẳng trước những vấn đề “nóng” trên địa bàn cộng với áp lực của giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, bộ máy lãnh đạo xã đã nảy sinh trục trặc, nhiều đồng chí xin nghỉ việc”, đồng chí Hà nói.

Bài 1: Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà (trái) trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô.

Bám sát các chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và yêu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành Đề án chuyên đề nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại của xã Tiên Dược; đồng thời thành lập tổ công tác thực hiện Đề án, thường xuyên họp, nắm bắt tình hình và đôn đốc tiến độ. Trong số nhiều giải pháp đưa ra, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn khẳng định: “Công tác cán bộ là quan trọng nhất. Đây là “then chốt” của vấn đề, cũng là việc khó khăn nhất, chúng tôi phải nghiên cứu và lựa chọn người có năng lực, uy tín, phù hợp để tăng cường cho cơ sở. Sau nhiều cuộc họp, tháng 6/2022, Huyện ủy đã điều động một đồng chí Huyện ủy viên là Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp về làm Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Bí thư xã Minh Phú là người có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết vấn đề vi phạm đất đai, quản lý xây dựng sang làm Chủ tịch UBND xã và tăng cường thêm một cán bộ huyện về làm Phó Chủ tịch UBND xã”.

Theo đồng chí Nguyễn Nam Hà, cách làm đối với xã Tiên Dược đã được áp dụng và đem lại hiệu quả tại nhiều xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn. Cụ thể, từ năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và ban hành một loạt quy định, quy chế quản lý cán bộ. Trong đó, việc đánh giá cán bộ hàng tháng, được coi là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, gắn với nguyên tắc “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”. Đặc biệt luân chuyển cán bộ về các xã, thị trấn khó khăn, phức tạp, đều tăng cường đồng chí cấp ủy và lãnh đạo huyện về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

“Khi cần điều động một cán bộ, thì nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động. Lãnh đạo huyện cũng khuyến khích, động viên cán bộ sẵn sàng tăng cường xuống cơ sở, để rèn luyện năng lực, bản lĩnh của mình”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, trong 5 năm (2017-2022), 4 cơ sở Đảng thuộc huyện trong danh sách theo dõi của Thành ủy (Nghị quyết số 15-NQ/TU), về cơ bản được củng cố, ổn định toàn diện trên mọi lĩnh vực; nhiều cơ sở Đảng trong danh sách theo dõi của Huyện ủy được củng cố và kết quả đánh giá đều “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

“Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân,… Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, đồng thời mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”.

Trích Nghị quyết số 21-NQ/TW,
ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa XIII)

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn khi là người đứng đầu Đảng bộ một huyện ở ngoại thành Thủ đô, đồng chí Đinh Trường Thọ, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Đống Đa nhận định, đa số các tổ chức cơ sở Đảng phải củng cố đều xuất phát từ việc mất đoàn kết nội bộ. “Nhận thức được việc này, quận Đống Đa căn cứ vào các quy định của Trung ương và thành phố Hà Nội về điều động, luân chuyển cán bộ, thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình. Đơn vị nào có dấu hiệu mất đoàn kết (nhất là “cặp đôi” Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường) đều thực hiện luân chuyển”, đồng chí Đinh Trường Thọ cho biết thêm, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, quận Đống Đa đã thực hiện rà soát rất kỹ và một trong những tiêu chí quan trọng là yếu tố con người. Kết quả toàn quận không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Dù vậy, công tác rà soát, nắm bắt, dự báo tình hình vẫn được triển khai thường xuyên, chỉ cần có nguy cơ tiềm ẩn, đã phải có phương án để chỉ đạo giải quyết triệt để.

Thực tế tại Đống Đa, một trong những quận trung tâm của Thủ đô, có 21 phường trực thuộc, với cộng đồng dân cư đa dạng, quá trình phát triển luôn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn phức tạp. Đảng bộ quận Đống Đa có 79 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (gồm 62 đảng bộ cơ sở và 17 chi bộ cơ sở), với gần 30 nghìn đảng viên, cũng là đảng bộ lớn nhất Hà Nội, nhưng chưa từng có tên cơ sở Đảng thuộc quận nằm trong danh sách theo dõi của Thành ủy (Nghị quyết số 15-NQ/TU). Đồng chí Hoàng Thị Phương Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Đống Đa chia sẻ, bài học kinh nghiệm là phải chú trọng đến đội ngũ cán bộ cơ sở, bởi đây là “sợi dây để liên hệ Đảng với quần chúng”.

“Cách đây 3 năm (cuối 2019), có 1 phường của quận, tình hình quản lý trật tự xây dựng phức tạp, trên địa bàn có dự án giải phóng mặt bằng khá lâu năm, người dân phản ứng, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đồng chí Chủ tịch UBND phường chưa quyết liệt. Nắm được tình hình, Quận đã đưa tổ công tác vào kiểm tra, xác minh. Kết quả chỉ rõ nguyên nhân là đồng chí đó trước làm địa chính, sau đó là Phó Chủ tịch, rồi làm Chủ tịch, nên vẫn còn những việc thuộc trách nhiệm của mình, cộng thêm tính cả nể, nên chưa quyết liệt trong quá trình xử lý. Ngay sau đó đã “rút” đồng chí đó lên làm chuyên viên; đồng thời điều động cán bộ khác thay thì việc êm luôn”, đồng chí Hoàng Thị Phương Ngọc chia sẻ.

“Lò luyện” để bộc lộ tài năng, bản lĩnh

Năm 2019, đồng chí Đàm Thế Anh được điều động từ quận về làm Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng. Mặc dù đã từng đảm nhiệm vị trí tương tự tại phường Văn Miếu nhưng lần này về cơ sở, những khó khăn khác lại “đè lên đôi vai”. Bởi Đảng bộ phường Láng Thượng với gần 2 nghìn đảng viên, 15 chi bộ ở địa bàn dân cư nhưng đặc trưng rất khác nhau, có chi bộ đô thị, khu chung cư, nhà tập thể vừa có chi bộ ở trong làng (Làng Láng), vẫn còn những nét văn hóa, phong tục tập quán xưa. Bên cạnh đó, nhiều khu dân cư không có nhà sinh hoạt cộng đồng, khó khăn trong việc hội họp. Điển hình là Chi bộ 1, với gần 200 đảng viên nhưng tất cả các hoạt động đều phải đi mượn hội trường của những cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Đồng chí Phan Hải, Bí thư Chi bộ chia sẻ: “Khu dân cư trên nền tảng là tập thể cũ, trước đây không có diện tích không gian văn hoá sinh hoạt chung. Chúng tôi sinh hoạt Đảng định kỳ phải nhờ nhà ăn tập thể của trường Đại học Giao thông. Những buổi truyền đạt Nghị quyết thì lại liên hệ với các cơ quan xung quanh, may mắn thì mượn được, không thì hoãn lịch sang ngày khác”.

Bài 1: Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm
Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng Đàm Thế Anh phổ biến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) đến cho cấp ủy chi bộ, thường vụ các đoàn thể và các thành viên tổ tuyên truyền viên của Đảng uỷ phường.

Trong khi đó, thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16/9/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”, phường Láng Thượng đã sắp xếp từ 67 tổ dân phố xuống còn 32; giảm số lượng 97 người xuống còn 47 người để thực hiện các nhiệm vụ. “Việc thiếu thốn cơ sở vật chất chưa được khắc phục thì lại phải tìm giải pháp để bù đắp những khó khăn về con người. Có 15 địa bàn dân cư thì 12 đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố; 3 đồng chí kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận. Khối lượng công việc rất nhiều, dù các đồng chí tham gia công tác đều rất nhiệt tình, nhưng tuổi cao, hạn chế về sức khỏe. Đặc biệt những bác làm Tổ trưởng tổ dân phố ở các tòa nhà chung cư, vì lý do an ninh nội bộ nên không thể đi lên từng phòng”, Bí thư Đảng ủy phường Láng Thượng chia sẻ.

Nhưng “cái khó ló ý tưởng hay”, Bí thư Đàm Thế Anh đã triển khai quán triệt các Nghị quyết của Đảng theo “hình tháp”. Cụ thể, phường mời các đồng chí báo cáo viên của quận, Thành phố, Trung ương về phổ biến cho cán bộ chủ chốt là bí thư và các đồng chí cấp ủy chi bộ; thường vụ các đoàn thể; thành viên tổ tuyên truyền viên của Đảng uỷ phường… Sau đó, chính những đồng chí này trực tiếp về truyền đạt lại cho chi bộ của mình, nhưng gắn với công việc cụ thể, từ đó các chủ trương, định hướng của Đảng, của địa phương được “thấm sâu” vào đời sống. Đặc biệt, khi xuống sinh hoạt trực tiếp tại chi bộ địa bàn dân cư, đồng chí Thế Anh đã có thêm điều kiện nắm bắt tình hình địa bàn dân cư, để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi phát sinh, nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, không có đơn thư vượt cấp.

“Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài diễn ra thuận lợi, do làm tốt công tác tuyên truyền. Thực tế có hộ dân không đồng thuận, với lý do giá đền bù chưa thỏa đáng. Chúng tôi gặp gỡ để lắng nghe tâm sự của họ, rồi làm việc với các đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình và tham mưu hướng tháo gỡ; đồng thời trao đổi với các bác dưới cơ sở cùng vận động, thuyết phục thêm. Khi hiểu đúng, giải thích đúng, thì người dân nghe được, hiểu được và đồng thuận”, Bí thư Đàm Thế Anh bày tỏ.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó nêu rõ: “Thường xuyên chăm lo, xây dựng củng cố đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt cấp xã đủ năng lực, phẩm chất, có kỹ năng xử lý các tình huống đặt ra ở cơ sở. Đặc biệt là điều động, bố trí cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm tăng cường cho các địa bàn khó khăn, phức tạp…”.

Trong khi đó tại xã Tiên Dược, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền, Huyện ủy viên, vẫn còn xúc động khi kể lại ngày mới nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy: “Tôi sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ không tạo ra sự đồng thuận. Rồi lãnh đạo huyện động viên, tôi đã suy nghĩ sao cứ để động viên mãi và quyết định nhận nhiệm vụ. Tôi tự nhủ với bản thân mình rằng việc đầu tiên là phải luôn vui vẻ, kết quả đạt được tốt hay chưa tốt cũng vẫn phải như vậy. Bởi không một đơn vị nào lại chấp nhận một người có vẻ mặt miễn cưỡng, làm được hay không chưa khẳng định nhưng phải cố gắng nỗ lực hết sức”.

Nghĩ và xắn tay vào làm, Bí thư Nguyễn Thanh Huyền đã tận dụng mọi điều kiện, cố gắng gần gũi với anh em để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, từ lãnh đạo chủ chốt đến cán bộ hợp đồng, cả những người đang có thông tin tiêu cực; đồng thời “lê la” khắp các buổi sinh hoạt chi bộ, các hoạt động cộng đồng ở thôn, xóm, để hòa vào cuộc sống của bà con, tìm hiểu đặc điểm địa phương. “Mình chân thành sẽ đón nhận lại sự chân thành”, đồng chí Huyền tự nhủ và cố gắng tìm ra nhiều giải pháp để tăng tình đoàn kết, cũng như giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc.

Vận dụng kinh nghiệm nhiều năm công tác, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền đã xây dựng kế hoạch và triển khai một loạt phong trào thi đua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ; việc trước đây chưa được quan tâm. “Để biểu diễn văn nghệ, thì từng thôn, xóm phải tập với nhau. Cán bộ ở các bộ phần cũng tập chung với nhau. Quá trình đó, giúp mọi người vui vẻ, vừa giảm căng thẳng trong công việc lại chân tình, cởi mở hơn. Qua từng đợt thi, các thành viên trong cùng đội sẽ có tính gắn bó, đoàn kết với nhau hơn”, đồng chí Huyền tâm sự. Nhưng đó chỉ là hoạt động bề nổi để giúp kéo gần khoảng cách của mọi người với nhau. Mấu chốt vẫn là công việc, phải tuân thủ theo nguyên tắc “công khai, công bằng, cụ thể”, đúng quy định của Đảng. “Trong cơ quan, tôi chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc rõ ràng, kiện toàn các Ban chỉ đạo, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ; khuyến khích đưa ra ý kiến để bàn việc chung chứ không nói về cá nhân”, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Dược nhấn mạnh.

Khi nhận thấy tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ xã có khởi sắc, đoàn kết hơn, cơ bản vào nề nếp, Bí thư xã Tiên Dược Nguyễn Thanh Huyền bắt đầu triển khai thực hiện các công việc của địa phương, theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau; anh em cùng chụm đầu vào làm”. Với Đảng bộ xã Tiên Dược, đáng chú ý là 7 chi bộ thôn, có đảng viên đông, đa dạng thành phần, lứa tuổi, chủ yếu các bác về hưu, trong khi địa bàn lại rộng nên việc nắm bắt tình hình gặp nhiều khó khăn. Từ thực tiễn đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ giao cho mỗi đảng viên nắm tình hình của 7-8 hộ dân, nếu có phát hiện gì nổi cộm thì báo cáo ngay hoặc thông tin tại buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng.

Đồng chí Phạm Hữu Hợp, Bí thư Chi bộ thôn Miếu Thờ bày tỏ: “Làm như vậy, đảng viên có trách nhiệm và gắn bó với bà con hơn. Có việc thì đảng viên phải đi trước, rồi vận động bà con bằng nhiều cách, khi thì nói ở diễn đàn, lúc khác phải gặp riêng khuyên bảo, tâm sự tỉ tê”. Sự vào cuộc tích cực của các đồng chí cấp ủy chi bộ đã giúp địa phương giải quyết kịp thời nhiều mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân. Đặc biệt, huyện Sóc Sơn dự kiến hết năm 2022, sẽ đưa Đảng bộ xã Tiên Dược ra khỏi diện tổ chức cơ sở Đảng yếu kém cần theo dõi. “Vừa rồi, xã 2 lần tổ chức xử lý vi phạm về đất đai thì có đến 80% người dân tự tháo dỡ, những vi phạm cũ cũng được khắc phục”, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền phấn khởi nói.

Một ví dụ khác ở huyện Sóc Sơn, là xã Hồng Kỳ (địa bàn có nhiều chuyện liên quan đến bãi rác), huyện đã tăng cường một đồng chí về làm Phó Chủ tịch UBND xã, đã thể hiện năng lực và uy tín cao nên được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Vừa qua, đồng chí này được điều chuyển về làm trưởng phòng kinh tế huyện. Nói vậy không có nghĩa cán bộ huyện được điều động xuống cơ sở luôn “thuận buồm xuôi gió”, nhất là với những địa bàn “nóng”. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn cho biết, kế hoạch ban đầu là trong năm nay, cả 3 xã (Minh Trí, Minh Phú và Tiên Dược) đều được đưa ra khỏi diện theo dõi. Nhưng xã Minh Trí và Minh Phú vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, cần tiếp tục củng cố.

“Cả 2 xã này đều có cán bộ huyện tăng cường, nhưng chưa giải quyết được vấn đề của địa phương. Trong quá trình giám sát và kiểm tra lại phát hiện có những sai phạm cần phải kiểm điểm. Nếu những tồn tại thuộc về khách quan, huyện sẽ đưa ra xem xét, những trường hợp cụ thể vi phạm không thể chối cãi thì bắt buộc phải kỷ luật. Vì thế, huyện đã quyết định kỷ luật Ban Thường vụ xã Minh Trí và Minh Phú bằng hình thức khiển trách; Bí thư xã Minh Trí bị kỷ luật khiển trách và Bí thư xã Minh Phú bị kỷ luật cảnh cáo”, ông Nguyễn Nam Hà thông tin./.

(Còn nữa)

Lượt xem: 27
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...