• :
  • :

Tránh rủi ro từ "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ"

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng mang tên "hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ", tuy nhiên, không ít trường hợp người dân tham gia dịch vụ này phản ánh quyền lợi của họ trong hợp đồng ký kết trên thực tế không giống với thông tin quảng cáo, giới thiệu. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tiếp tục khuyến cáo người dân các vấn đề cần lưu ý khi tham gia mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng này để tránh những rủi ro.

Bên cạnh tên gọi “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”, các hợp đồng kinh doanh nghỉ dưỡng dài hạn còn xuất hiện dưới nhiều tên gọi như: hợp đồng nghỉ dưỡng, hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc, hợp đồng kỳ nghỉ gia đình, hợp đồng mua bán thẻ du lịch... Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, có rất nhiều rủi ro cho người mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Để sở hữu những kỳ nghỉ này, khách hàng sẽ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi sử dụng dịch vụ, thường khoảng 200-800 triệu đồng phụ thuộc vào loại căn hộ và thời gian.

 Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn

Thế nhưng, có một số nội dung thiếu rõ ràng trong loại hình hợp đồng này. Đơn cử về nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng, bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng, khách nghỉ dưỡng phải thanh toán chi phí hằng năm (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Tuy nhiên, trong hợp đồng có thể không quy định cụ thể, rõ ràng về khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan, như không quy định mức phí cụ thể; không quy định về nguyên tắc thu... Thậm chí, các điều khoản trong hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền xác định mức chi phí hằng năm và các vấn đề có liên quan.

Thêm vào đó, dù trong hợp đồng, khách hàng được ghi nhận sẽ được sử dụng các tiện nghi, chất lượng nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, 5 sao, nhưng danh mục dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách nghỉ dưỡng có thể không được cụ thể hóa trong hợp đồng. Điều này khiến khách nghỉ dưỡng thiếu cơ sở pháp lý để khiếu nại bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp họ cho rằng chất lượng dịch vụ không bảo đảm, không tương xứng với chi phí thường niên, phí duy trì phải chi trả... Đáng chú ý, liên quan tới chế tài xử lý vi phạm, với những quy định không rõ ràng, khách nghỉ dưỡng đứng trước rủi ro lớn trong việc bị bên cung cấp dịch vụ chấm dứt hợp đồng và mất khoản tiền đã thanh toán mặc dù thời hạn hợp đồng có thể còn dài.

Từ một số rủi ro tiềm ẩn như trên, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm. Đồng thời, trước khi quyết định tham gia, người tiêu dùng cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, tránh “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng; xác định rõ toàn bộ chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Đặc biệt, người tiêu dùng cần làm rõ các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, như: Hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên...

ĐAN THANH

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết