Gỡ lực cản văn bản luật bất cập
Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan thời gian gần đây, lãnh đạo hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đều kiến nghị sớm xem xét, sửa đổi Luật Khoáng sản và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là Quyết định 866).
Lý do của kiến nghị trên là những quy định trong Luật Khoáng sản và Quyết định 866 khi áp dụng vào hai địa phương trên đã bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử tại Lâm Đồng, Quyết định 866 tác động lên 70.000ha diện tích tự nhiên, trong đó có nhiều khu dân cư, đô thị, dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Tại tỉnh Đắk Nông, 27% diện tích tự nhiên "bị" quy hoạch vào khu vực khai thác khoáng sản dẫn đến hơn 1.000 dự án bị mắc kẹt bởi quy hoạch này.
Sớm xem xét, sửa đổi Luật Khoáng sản và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn |
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tại những khu vực nằm trong quy hoạch khoáng sản thì các công trình xây dựng chỉ được phép triển khai sau khi đã khai thác hết khoáng sản và hoàn nguyên môi trường. Với trữ lượng lớn và sự phân bố rộng khắp, việc khai thác, chế biến khoáng sản tại hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng ước tính để hoàn thành phải mất hàng trăm năm. Đây chính là vướng mắc lớn nhất khiến hàng loạt dự án, công trình trọng điểm của hai địa phương trên trong thời gian qua không thể triển khai, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân.
Những bất cập như trên có không ít ở các luật và văn bản dưới luật đã được ban hành thời gian qua. Việc nâng cao chất lượng luật gắn với tính bền vững, phù hợp với thực tiễn có ý nghĩa, động lực rất lớn đối với sự phát triển chung. Những năm qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực; góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các luật, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, sớm lạc hậu... đã ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; gây phiền hà, khó khăn đối với doanh nghiệp, người dân; trở thành lực cản đối với sự phát triển.
Thấy rõ được thực trạng và bất cập trên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 603/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ngay tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng các dự án luật để sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, vấn đề cấp bách cần xử lý để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Quyết định này được xem là kịp thời, giải quyết được vấn đề cấp thiết trong rà soát, bổ sung, sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu phát triển. Để thực hiện tốt, các cơ quan giữ vai trò tham mưu, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh luật cần phối hợp với các bên liên quan nắm sát thực tiễn, nhận diện rõ, cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng như những khó khăn, vướng mắc để có cơ sở sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm luật đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển cho địa phương, ngành, lĩnh vực liên quan. Qua đó bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, các quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân.
VŨ ĐÌNH ĐÔNG