Hà Nội phấn đấu mục tiêu 35 học sinh/lớp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở giáo dục về nhiệm vụ trọng tâm cho giáo dục tiểu học trong năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương đảm bảo thực hiện “mỗi lớp học không được quá 35 học sinh”.
Quy định không quá 35 học sinh/lớp học không phải là điều quá khó với những vùng nông thôn, miền núi nhưng với những khu vực trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội thì xem ra quy định này vẫn còn là mục tiêu để “phấn đấu”. Trong những năm gần đây, nhiều trường học ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải, với một số lớp có đến 50 học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập.
Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Về quy định mới cho năm học tới, với việc không được xếp quá 35 học sinh/lớp ở bậc tiểu học, nhiều giáo viên và chuyên gia cho rằng, điều này khó khả thi đối với Hà Nội trong bối cảnh hiện tại.
Không ít giáo viên chia sẻ, trong các lớp học có tới 50 học sinh, họ thậm chí gặp khó khăn trong việc nhớ tên học sinh, chưa nói đến việc theo dõi và đánh giá các yếu điểm của từng em để uốn nắn.
Hiện tại, với tình trạng phòng học hạn chế, số lượng giáo viên không tăng thậm chí còn bị giảm biên chế, sĩ số lớp học lớn khiến giáo viên phải chịu áp lực rất lớn vì có quá nhiều công việc phải triển khai ngoài nhiệm vụ chuyên môn. Do đó, nếu có thể giảm sĩ số lớp còn 35 học sinh thì đó là điều lý tưởng, nhưng rất khó thực hiện vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc quỹ đất hạn hẹp.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mạng lưới trường học hiện đang được quy hoạch theo kế hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Quy hoạch này đã đảm bảo phân bố đủ trường mầm non, tiểu học, THCS tại các xã, phường, thị trấn. Hiện, chỉ có quận Hoàn Kiếm đã đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua, nhưng sĩ số bình quân học sinh tiểu học vẫn ở mức 37 học sinh/lớp. Tuy nhiên, tại các điểm nóng như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, mục tiêu đạt sĩ số 35 học sinh/lớp vẫn còn rất xa vời. Một số trường tiểu học tại đây vẫn có sĩ số trên dưới 50 học sinh/lớp.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cho biết, tại các trường tiểu học công lập trên địa bàn quận, sĩ số trung bình là 48 học sinh/lớp, với số học sinh tăng khoảng 5.000 em/năm. Mặc dù quận đã có kế hoạch xây dựng 4 trường mới vào năm 2024, bao gồm 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường trung học cơ sở, đồng thời nâng cấp, sửa chữa, mở rộng thêm phòng học cho 11 trường ở các cấp học, nhưng vẫn khó đảm bảo sĩ số như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do tỷ lệ nhập cư cao, nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã phải đối mặt với áp lực về sĩ số học sinh/lớp và tỷ lệ trường đảm bảo điều kiện học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học trong nhiều năm qua. Việc giảm sĩ số lớp học luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong nhiều thập niên, đặc biệt khi Thành phố có số lượng học sinh lớn nhất cả nước.
Theo số liệu năm học 2024-2025, Hà Nội sẽ tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào lớp mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6. So với hai năm trước, khi số học sinh Hà Nội đạt đỉnh về mức tăng ở tất cả các cấp học, năm học này số học sinh đã giảm dần. Nếu chỉ tính riêng số học sinh vào lớp 1, năm học 2024 - 2025 giảm hơn 900 em. Tuy nhiên, so sánh số học sinh hết lớp 5 đã chuyển cấp (159.000) và số học sinh mới tuyển (145.000), bậc tiểu học của Hà Nội giảm 14.000 học sinh, giúp giảm bớt áp lực về sĩ số ở bậc tiểu học.
So với khoảng 10 năm trước, sĩ số bình quân học sinh/lớp ở các cấp học của Hà Nội đã giảm đáng kể. Từ chỗ phổ biến là khoảng 60 học sinh/lớp ở tiểu học, hiện nay sĩ số bình quân chỉ còn hơn 38 học sinh/lớp. Từ chỗ hơn 50 học sinh/lớp ở THCS, hiện nay trung bình là hơn 40 học sinh/lớp.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ở bậc THPT các loại hình trường học đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, khối trường công lập khó khăn dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh. Nguyên nhân đã được các địa phương chỉ ra đó là tốc độ gia tăng dân số nhanh, không chỉ tăng tự nhiên mà còn tăng cơ học do nhập cư. Ngành đã có tham mưu, đề xuất Thành phố dành nguồn lực để xây mới thêm trường THPT công lập đưa vào sử dụng.
Bước đầu năm học tới sẽ có 2 trường THPT công lập đi vào hoạt động. Giai đoạn 2025 - 2030, Thủ đô sẽ có thêm 30-35 trường THPT công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đơn cử như tại quận Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập. Các quận khác như Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đông Anh… cũng sẽ xây thêm trường.
Thành phố cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại, có diện tích 5ha trở lên. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.
Bài, ảnh: VŨ THỊ HƯƠNG SEN