Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm
Bánh mì là thực phẩm. Thuốc trừ sâu là hỗn hợp các hóa chất. Hai sản phẩm hàng hóa này tưởng chừng không có mối liên quan đến nhau, nhưng mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa có báo cáo kết quả giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm năm 2024.
Qua test nhanh đã cho kết quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu có trong rau sống (xà lách, rau dăm, dưa leo, hành, ngò) ở 8 cơ sở kinh doanh bánh mì. Ngoài ra, kết quả kiểm nghiệm đối với 6 mẫu giám sát sốt trứng, chả bò, rau sống... phát hiện kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella-loại vi khuẩn phổ biến liên quan đến ngộ độc thực phẩm.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 509 người mắc, 1 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu liên quan đến nhóm thức ăn đường phố. Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, các kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm và xét nghiệm nhanh chỉ có giá trị cảnh báo mối nguy cơ ô nhiễm, không phải là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, cũng như chưa có cơ sở pháp lý để khẳng định các mẫu giám sát không an toàn đối với sức khỏe con người. Điều này một lần nữa dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang, còn chủ các cơ sở kinh doanh bánh mì cũng bất ngờ vì kết quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu trong rau. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nông sản trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản và lưu thông trên thị trường. Song các động thái này cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Như chúng ta đã biết, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm lớn, là vấn đề tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, vì vậy cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính những người trực tiếp sản xuất, làm ra thực phẩm. Các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, có chế tài mạnh, nghiêm minh xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt khác người tiêu dùng cần lên án, tẩy chay các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, các cá nhân, doanh nghiệp phải hướng đến sản xuất, đầu tư các chuỗi cung ứng sản phẩm chất lượng, thực phẩm xanh, sạch, an toàn theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
VŨ DUY HIỂN