Cần cơ chế đặc thù để doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KHCN vào năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới có hơn 800 doanh nghiệp KHCN, bởi nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN do không được hưởng đầy đủ các ưu đãi. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ chưa được xử lý một cách triệt để gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp KHCN.
Ưu đãi có cũng như không
Tính đến nay, cả nước có hơn 800 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện được công nhận. Đa số các doanh nghiệp KHCN đang sản xuất tốt, tạo việc làm và đóng góp cho xã hội, trong đó có nhiều doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng hàng đầu của Việt Nam.
Nhiều sản phẩm công nghệ của Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. |
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam cho biết: Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về tín dụng; được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KHCN; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp KHCN hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng hiện nay quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng. Hay như để nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ KHCN. Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp KHCN có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt, vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm KHCN cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án khoa học từ vốn Nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước.
Do đó, ông Hoàng Đức Thảo đề xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp KHCN hưởng đầy đủ các ưu đãi như luật đã ban hành. Bên cạnh đó, Bộ KHCN cũng cần có ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để phối hợp có văn bản trình Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cơ chế đặc thù mở rộng phạm vi áp dụng thu nhập chịu thuế từ bản quyền quy định tại Điều 16 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014. Theo đó, đưa thu nhập của tác giả quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng biểu thuế toàn phần với mức thuế suất là 5%.
Tăng mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Một khó khăn khác mà doanh nghiệp KHCN đang phải đối mặt liên quan đến vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, đó là hiện nay, quá trình xử lý các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ thường kéo dài hơn hai năm. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng còn bất cập. Đó là trước khi tiến hành thanh tra, xác minh thì các đoàn thanh tra, cán bộ tòa án thường thông báo mốc thời gian đoàn thanh tra đến làm việc.
Việc thông báo trước thời gian vô hình trung tạo điều kiện cho đơn vị vi phạm tiến hành tẩu tán các sản phẩm vi phạm, gây khó khăn cho việc xác minh hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn nhẹ và khó xác minh mức bồi thường thiệt hại. Cụ thể, tại Điều 16 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 quy định: Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ KHCN, Thanh tra Sở KHCN đang thi hành công vụ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2 triệu đồng. Mức quy định này là quá thấp so với thực tế giá trị tang vật, phương tiện vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay có thể lên tới nhiều tỷ đồng.
Do đó, ông Hoàng Đức Thảo đề nghị đẩy nhanh tiến trình thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; tăng mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các đoàn thanh tra, cán bộ tòa án khi tiến hành thanh tra, xác minh các vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ không thông báo trước cho đơn vị vi phạm.
Coi hoạt động đầu tư nghiên cứu KHCN là đầu tư rủi ro, mạo hiểm
Để hỗ trợ doanh nghiệp KHCN phát triển, bà Phan Thị Mỹ Yến, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam đề xuất sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo; tăng cường năng lực tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động KHCN. Bộ KHCN xem xét trình Chính phủ chủ trương thiết lập cơ chế, chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu KHCN là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách của Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ KHCN Hoàng Minh cho rằng, Bộ KHCN và Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp KHCN. Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KHCN và Luật KHCN xác định, doanh nghiệp KHCN được hình thành từ hai nguồn chính: Nhiệm vụ nghiên cứu và từ các doanh nghiệp được tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, đến nay không có doanh nghiệp KHCN nào được cấp giấy chứng nhận hay đăng ký chuyển giao công nghệ. Chính sách đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam khác. Do đó, doanh nghiệp KHCN nên tham gia vào chuyển giao công nghệ, vì sản phẩm chuyển giao nhận được nhiều ưu đãi hơn sản phẩm tự nghiên cứu và tự sử dụng chứ không chuyển giao.
Bài và ảnh: LA DUY