• :
  • :

Quyết liệt gỡ vướng cho ngành y

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) khiến nhân dân lo lắng và có phần bức xúc, cuối tháng 6 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp và chỉ đạo: Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát tổng thể những quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và chủ trương xã hội hóa (XHH), hợp tác công-tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4-7-2022...

Gần một tháng đã trôi qua, nhưng một số vướng mắc liên quan đến hoạt động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, chủ trương XHH, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được tháo gỡ. Quy định mới tạo thuận lợi cho thực hiện chủ trương XHH y tế mà cả ngành y và hàng triệu bệnh nhân chờ đợi vẫn chưa được ban hành.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đà Nẵng) tiếp nhận trang thiết bị điều trị Covid-19. Ảnh: TTXVN

Được biết, vướng mắc nhất của ngành y là Nhà nước chủ trương XHH y tế, thế nhưng pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công lại không có quy định về việc đơn vị công mượn tài sản để sử dụng (chưa quy định chứ không phải cấm mượn). Trong khi trên thực tế, Nhà nước không thể bảo đảm đủ các loại trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện công nên từ nhiều năm qua, đa số bệnh viện vẫn dùng máy mượn để KCB; thậm chí, nhiều bệnh viện lớn sử dụng tới 80-90% máy mượn. Cơ quan quản lý thì lúc bảo được mượn, lúc lại không(?), làm cả ngành y "chẳng biết đường nào mà lần"! 

Nếu không cho mượn trang thiết bị do pháp luật chưa có quy định thì chắc chắn rất nhiều bệnh viện công sẽ không đủ máy phục vụ KCB. Khi đó, không chỉ quyền lợi của hàng triệu người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn “hỏng” cả chủ trương XHH y tế với mục đích tốt đẹp là để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Thêm một lý do khiến có ý kiến không muốn cho bệnh viện công mượn trang thiết bị phục vụ KCB là "sợ lợi dụng việc này để làm sai". Nhưng vì lo ngại đó mà không cho phép thì chẳng khác gì “sợ tai nạn giao thông nên cấm ra đường”, “sợ điện giật thì cấm dùng điện”! Chưa kể, nếu các bệnh viện công không được mượn thì bệnh viện tư vẫn được; rồi bệnh viện công cũng rất dễ “lách luật” bằng cách làm hợp đồng thuê máy với giá rẻ như cho, hay đơn vị cho mượn chỉ cần chuyển sang hình thức “tặng quyền sử dụng trong một thời gian nhất định” thì pháp luật nào điều chỉnh được?

Thiết nghĩ, việc các bệnh viện mượn trang thiết bị để sử dụng là đúng với chủ trương tự chủ bệnh viện và XHH y tế để phục vụ KCB tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là đặc thù của ngành y vì sử dụng nhiều loại máy “đóng” (không thể dùng loại hóa chất, vật tư thay thế khác) và các trang thiết bị này cũng rất nhanh cải tiến, thay đổi. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tìm hiểu, nắm đúng thực tế để đề xuất, ban hành chính sách sát thực, hiệu quả, bảo đảm được cả lợi ích của Nhà nước, nhân dân và phòng, chống tiêu cực, với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy ngành y phát triển, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cần nhớ, tại cuộc họp ngày 29-6, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, nghiên cứu để ban hành những quy định mới. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết thì kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, không thể vì “vướng luật cũ” mà cứ để tồn tại sự bất hợp lý và càng không thể chấp nhận kiểu “đút chân gầm bàn” làm luật, dẫn đến vướng mắc kéo dài. Điều đó trái với lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh.

Trong bối cảnh ngành y đang gặp nhiều khó khăn cần quyết liệt tháo gỡ, đội ngũ cán bộ, các cơ quan chức năng càng phải quán triệt nghiêm túc tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung" mà Đảng, Nhà nước đang kêu gọi.

LÂM SƠN

Tags: qdnd
Lượt xem: 65
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết