• :
  • :

Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại huyện Đông Anh

Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các chương trình tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đã được triển khai kịp thời, hiệu quả đến những đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội).

Qua đó, khẳng định vai trò của TDCSXH đối với thực tiễn phát triển của huyện.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đông Anh Lương Việt Cường cho biết, trong 20 năm thực hiện TDCSXH theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, huyện Đông Anh đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH huyện để cho vay gần 100.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 1.400 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH huyện đã cho vay gần 66.000 lượt hộ, góp phần thu hút hơn 70.000 lao động. Trong đó, cho vay hơn 14.600 lượt hộ nghèo, hơn 6.100 lượt hộ cận nghèo, gần 6.000 hộ mới thoát nghèo, hơn 500 lượt hộ vay là người tàn tật; cho vay giải quyết việc làm hơn 22.300 lượt lao động... “Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi nhận thức, sử dụng vốn vay hiệu quả”, ông Lương Việt Cường nhấn mạnh. 

 Người dân đến vay vốn tại Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Anh. Ảnh: THANH SƠN

Năm 2019, anh Phan Văn Đạt (xã Võng La) cùng 6 thanh niên tại địa phương vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Đông Anh để khởi nghiệp. Anh Đạt chia sẻ: “Với nguồn vốn tự đóng góp và 7 suất được vay theo chương trình giải quyết việc làm là 350 triệu đồng, chúng tôi đầu tư mua máy móc, trang thiết bị để sản xuất đậu phụ, thành lập Hợp tác xã thanh niên Võng La. Đến nay, hợp tác xã hoạt động ổn định, đặc biệt có 3 sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá phân hạng 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020”.

Đánh giá về kết quả thực hiện TDCSXH tại địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nhận định, việc triển khai thực hiện TDCSXH trên địa bàn đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục, phát triển các làng nghề, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn...

Để Đông Anh phát huy hiệu quả các chương trình TDCSXH trong thời gian tới, theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, huyện cần tiếp tục quan tâm dành nguồn lực cho hoạt động TDCSXH. Bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua Ngân hàng CSXH huyện hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống kiểm tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện TDCSXH; chú trọng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và hoạt động của Ngân hàng CSXH để người dân nhận thức rõ hơn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn.

ĐOÀN THU THẢO

Tags: qdnd