• :
  • :

“Lạm phát” điểm học bạ

Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 đang khiến nhiều người choáng váng khi không ít trường đại học công bố mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ lên đến hơn 30 điểm cho tổ hợp 3 môn.

Trong số 8 ngành đào tạo của Học viện Ngoại giao thì đến 7 ngành có tổ hợp lấy điểm chuẩn hơn 30 điểm. Cao nhất là tổ hợp khối C ở ngành Truyền thông quốc tế với điểm chuẩn 32,18 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là tổ hợp D04, chuyên ngành Trung Quốc học nhưng cũng cao “ngất ngưởng” ở ngưỡng 29,72 điểm. Ngành thứ 8 là Ngôn ngữ Anh, điểm số môn ngoại ngữ nhân hệ số 2, có điểm chuẩn chung cho các tổ hợp là 40,24 điểm, trung bình mỗi môn hơn 10 điểm.

Tương tự, Trường Đại học Ngoại thương cũng có 5 ngành lấy điểm chuẩn từ 30 đến 30,5 điểm theo phương thức xét học bạ học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh trường trung học phổ thông (THPT) chuyên. Ngay một trường vốn ở tốp trung như Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng có điểm chuẩn xét tuyển học bạ vượt trần ở một số ngành, với điểm chuẩn 30,5 điểm.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Ảnh: Vietnam+

Điều đáng nói, điểm thực tế của những thí sinh trúng tuyển ở ngưỡng điểm này không em nào đạt tổng 30 điểm cho 3 môn, mà đều có được do cộng thêm điểm ưu tiên. Mức điểm tổng kết tiệm cận 30 của các thí sinh khiến nhiều người lo ngại về tình trạng “lạm phát” điểm học bạ.

Một số giáo viên thừa nhận việc “làm đẹp” học bạ cho học sinh ở bậc THPT là có thật, nhằm “tạo điều kiện tốt nhất” cho các em trong xét tuyển đại học. Nhất là khi chỉ tiêu dành cho phương thức này ngày càng tăng, còn chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng giảm. Học bạ đẹp, tỷ lệ học sinh đỗ đại học tăng cũng là cách để “làm đẹp” hồ sơ thành tích của giáo viên và các nhà trường. 

Theo các chuyên gia giáo dục, ưu điểm của việc xét tuyển theo học bạ là đánh giá được cả quá trình học của học sinh. Do đó, về lý thuyết, cách tuyển sinh này sẽ chính xác hơn việc dựa vào điểm số của một kỳ thi vốn có yếu tố may rủi. Tuy nhiên, tình trạng “làm đẹp” học bạ ở các trường phổ thông khiến niềm tin trong chính nội bộ ngành giáo dục giảm đi. Bằng chứng là các trường xét học bạ chủ yếu là trường ngoài công lập hoặc các trường tốp giữa trở xuống. Còn các trường tốp trên, vốn có chất lượng đầu vào cao hơn, ít trường sử dụng phương thức xét tuyển này hoặc có sử dụng thì sẽ chỉ dành cho nhóm đối tượng nhất định hoặc kèm thêm các điều kiện khác.

Nếu điểm học bạ trung thực, các trường có thể yên tâm sử dụng xét tuyển và giảm bớt áp lực, thời gian, tiền bạc, công sức cho cả học sinh, nhà trường, ngành giáo dục và toàn xã hội. Chất lượng giáo dục cũng sẽ được phản ánh một cách chân thực hơn, là căn cứ để Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành có những điều chỉnh, quyết sách phù hợp cho từng vùng, từng địa phương. Khi đó, một kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc rình rang, tốn kém như hiện nay có lẽ cũng không còn cần thiết. Sự thiếu trung thực, thiếu niềm tin trong giáo dục khiến toàn xã hội phải lao đao mà vẫn không biết được chất lượng đào tạo thực sự.

Với học sinh, việc không cần cố gắng quá nhiều vẫn có hồ sơ điểm số “đẹp như mơ” cũng sẽ giảm động lực học, nỗ lực phấn đấu, không phát huy được hết khả năng của các em bởi “ngọc có mài mới sáng”.

PHẠM MAI

Tags: qdnd
Lượt xem: 73
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết