Phòng, chống mua bán người - “cuộc chiến” không khoan nhượng
Hôm nay (30/7) là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người - một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất đã được Liên hợp quốc đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm 2024 là “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Tại Việt Nam, ngày 30/7 cũng được chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
6 tháng đầu năm số vụ án liên quan đến hành vi mua bán người tăng 18,2%
Theo thông tin từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ngày 27/6/2023, Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người 111 đã tiếp nhận cuộc gọi của anh T.V.Đ (dân tộc Nùng) ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang về việc con gái là T.T.N sinh năm 2010 bị lừa xuống Hải Phòng từ ngày 16/6/2023 vào nhà nghỉ Linh Nga ở đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng. Ở đây, cháu N bị ép rót rượu cho khách, phục vụ khách ở quán hát; bị ép bán dâm và bị đe dọa nếu không làm thì sẽ bị dìm xuống nước. Gia đình mong muốn Đường dây nóng hỗ trợ để giải cứu cháu N.
Ngay khi nhận được thông tin, Đường dây nóng đã kết nối với Trung tâm Công tác xã hội Hải Phòng và Phòng Phòng, chống mua bán người (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đề nghị xác minh và hỗ trợ cháu N. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an sử dụng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để điều tra xác minh và giải cứu cháu N an toàn, bàn giao cho gia đình đưa về Hà Giang.
Theo báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2023, Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người 111 tiếp nhận 1.781 cuộc gọi, trong đó có 1.365 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của Đường dây nóng và phòng, chống mua bán người, 337 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 79 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 87 nạn nhân của mua bán người.
Chuỗi hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người hiện nay. (Ảnh: Hội LHPNVN) |
Theo số liệu của Bộ Công an, giai đoạn 2018 - 2022, cả nước phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu, phối hợp giải cứu 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an kiến nghị khởi tố 386 vụ, 808 bị can. Bất chấp đạo lý, pháp luật, tội phạm mua bán người ở nước ta có chiều hướng gia tăng.
Theo Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao... để lừa bán ra nước ngoài.
Người dân hãy tin tưởng vào cơ quan chức năng để giải cứu các vụ mua bán người
Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khuyến cáo, tội phạm mua bán người rất khó phát hiện, khó thu thập tài liệu, chứng cứ; nếu bị mua bán ra nước ngoài thì việc xác minh, giải cứu là vô cùng tốn kém, khó khăn. Do đó, phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng, tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi tìm kiếm việc làm, nhất là việc làm ở nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài cũng như lấy chồng, kết hôn với người nước ngoài; không dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen, nhất là trên môi trường mạng xã hội...
Còn theo bà Lê Thị Thảo, cán bộ tư vấn của Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người 111, để không bị lừa mua bán, trẻ em nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng trên các trang mạng. Cũng theo bà Lê Thị Thảo, để phòng, chống trẻ em bị kẻ xấu dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” bán qua biên giới hoặc trong nước, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, làm bạn với con để kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Từ đó, cha mẹ phân tích ưu và nhược điểm của công việc mà con muốn tham gia, giúp con tìm một công việc phù hợp với khả năng và trình độ. Đừng vì mải mê công việc để mặc con giao lưu, kết bạn với các đối tượng xấu trên mạng xã hội. Trong trường hợp không may con bị mua bán, cha mẹ cần phối hợp với Đường dây nóng và các cơ quan chức năng để giải cứu trẻ. Người dân hãy tin tưởng vào các cơ quan chức năng, thông tin cung cấp sẽ được bảo mật và việc giải cứu trẻ là hoàn toàn miễn phí.
Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để đẩy lùi nạn mua bán người. Công tác đấu tranh phòng ngừa và loại bỏ tội phạm mua bán người là việc làm có tính cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương cũng như sự hợp tác của người dân. Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán luôn được các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Các nạn nhân sau khi giải cứu, tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu (bố trí nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chi phí đi lại...) và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (hỗ trợ kinh phí ổn định cuộc sống, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa, hỗ trợ pháp lý...) để nhanh chóng ổn định tâm lý và cuộc sống.
Cuối tuần trước, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức chuỗi hoạt động phòng, chống mua bán người, trong đó tại phiên chợ của thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, vở kịch “Đường đến tương lai” giúp người dân dễ dàng tiếp cận và hiểu được về các hành vi, thủ đoạn lừa gạt của tội phạm mua bán người đã thu hút được đông đảo người xem. Và cũng tại sự kiện, Công an tỉnh Lào Cai chia sẻ bằng tiếng Mông về thực trạng, tình hình và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh...