• :
  • :

Cẩn trọng trong ngày cuối đăng ký xét tuyển đại học

Hôm nay (30-7), ngày cuối đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024, thí sinh cần lưu ý một số nội dung quan trọng để tránh bỏ lỡ bất cứ cơ hội trúng tuyển nào.

Không chủ quan trong thao tác kỹ thuật

Sau gần hai tuần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhiều thí sinh vẫn gặp khó khăn do chưa nắm chắc các thao tác kỹ thuật và quy định xét tuyển. Những vấn đề không ít thí sinh thắc mắc và cần hỗ trợ là thao tác khi thực hiện đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT, cách đăng ký, sắp xếp nguyện vọng, cách thức - điều chỉnh những thông tin sai sót hoặc điều chỉnh ngành, vị trí các nguyện vọng đã đăng ký hoặc thông tin cá nhân...

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn Trường Đại học Phenikaa

Trao đổi với phóng viên, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Tính đến 12 giờ ngày 29-7, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT là 702.762 thí sinh, tăng khoảng 60.000 so với tổng số thí sinh đã đăng ký năm 2023. Trong những ngày qua, hệ thống hoạt động ổn định, các thắc mắc được giải thích, hướng dẫn kịp thời. Thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển của thí sinh trên hệ thống của Bộ GD-ĐT là 17 giờ ngày 30-7". 

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo thí sinh không nên đợi đến phút chót mới đăng ký, vì điều này rất rủi ro, bởi có thể dẫn đến quá tải hệ thống. Khi đăng nhập vào hệ thống, các em cần bảo mật tài khoản. Nếu không bảo mật tốt, người khác có thể đăng nhập và thay đổi thứ tự nguyện vọng của các em, dẫn đến kết quả không mong muốn. Khi thời gian đăng ký đã kết thúc, các em phải chấp nhận kết quả bị thay đổi.

Vấn đề được các chuyên gia nhắc đi nhắc lại nhiều lần là dù được thông báo trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng này lên hệ thống để bảo đảm việc trúng tuyển. Nếu nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng yêu thích, mong muốn được học thì hãy đặt ở vị trí số 1 trên hệ thống. Như vậy, các em chắc chắn sẽ trúng tuyển.

Mọi năm, Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học thường phải xử lý một số trường hợp nhầm lẫn, sai sót liên quan đến việc thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng không thành công. Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, dù làm ở bất kỳ thao tác nào, thí sinh cũng nên quay video hoặc chụp lại màn hình, làm cơ sở để minh chứng khi cần hỗ trợ, hậu kiểm. Cũng có thí sinh không chú ý đến điều kiện xét tuyển của ngành/trường học hoặc quên, nhầm lẫn về đối tượng ưu tiên khu vực. Việc các em nhập sai dữ liệu có thể làm ảnh hưởng đến điểm xét tuyển sau này. Thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Ở bất kỳ thao tác nào, các em cũng cần thực hiện đúng, đủ quy trình và bảo đảm thành công, không thoát giữa chừng.

GS, TS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, thí sinh không được bỏ qua tiêu chí phụ (nếu có). Thực tế, một số trường đại học có đưa ra tiêu chí phụ khi xét tuyển. Nhiều thí sinh không chú ý đã trượt oan. Sau khi hoàn tất quy trình, thí sinh có thể đăng xuất khỏi hệ thống, sau đó đăng nhập lại để kiểm tra những ngành/trường học và thứ tự nguyện vọng đã đúng chưa; các thông tin cá nhân đã chuẩn chưa để sau này, các trường liên hệ khi trúng tuyển.

Hoàn tất đăng ký xét tuyển

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, việc nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8. Quá trình lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 13-8 đến 17 giờ ngày 17-8. Sau quãng thời gian này, các trường có thể công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển tới thí sinh. Chậm nhất đến 17 giờ ngày 19-8, các trường đại học, cao đẳng phải hoàn thành việc công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1. Thí sinh sẽ nộp lệ phí xét tuyển theo đúng tỉnh/thành phố mà thí sinh đang sinh sống, học tập.

Đó là nơi thí sinh đã nộp hồ sơ thi và tốt nghiệp THPT vừa qua, không phải theo địa chỉ tỉnh/thành phố nơi có trường đại học mà thí sinh mong muốn học. Thí sinh cần hết sức lưu ý khi đăng ký bao nhiêu nguyện vọng thì phải thanh toán tương ứng với số nguyện vọng đăng ký. Nếu không thanh toán đủ số nguyện vọng đã đăng ký thì nguyện vọng nào thí sinh không đóng lệ phí xét tuyển đồng nghĩa với việc nguyện vọng đó sẽ bị loại bỏ và sẽ không được xem là nguyện vọng hợp lệ.

Sau khi có điểm chuẩn, với những thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển được các trường đại học công bố, các em cần thường xuyên theo dõi thông báo từ nhà trường để chuẩn bị hồ sơ và hoàn thiện quy trình xác nhận nhập học theo quy định. Tất cả thí sinh trúng tuyển cần hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống trước 17 giờ ngày 27-8.

Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối nhập học, nhà trường có quyền từ chối tiếp nhận. Nếu trong đợt xét tuyển chính thức, thí sinh trượt ở tất cả nguyện vọng đã đăng ký thì vẫn còn cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung. Lúc này các em cần bình tĩnh, cẩn thận tìm hiểu thông tin xét tuyển bổ sung ở các trường đại học để tìm ra sự lựa chọn phù hợp với mình nhất.

Thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ đăng ký xét tuyển theo các tỉnh/thành phố (nơi thí sinh đã nộp hồ sơ) như sau: Từ 0 giờ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 1-8: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái. Từ 0 giờ ngày 1-8 đến 17 giờ ngày 2-8: Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Từ 0 giờ ngày 2-8 đến 17 giờ ngày 3-8: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Từ 0 giờ ngày 3-8 đến 17 giờ ngày 4-8: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum. Từ 0 giờ ngày 4-8 đến 17 giờ ngày 5-8: TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh. Từ 0 giờ ngày 5-8 đến 17 giờ ngày 6-8: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Bài và ảnh: THU HÀ