Giúp phụ nữ, trẻ em gái ứng phó thách thức trên không gian mạng
Hiện Việt Nam có 72 triệu người dùng Facebook và 74 triệu người dùng Google. Đi kèm với đó là tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô, trong đó có nhiều hiểm họa nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác và chung tay để bảo vệ các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Dũng Hiếu) |
Internet khiến cuộc chiến chống buôn người trở nên phức tạp
Buôn bán người là mối đe dọa an ninh phi truyền thống, toàn cầu, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người mỗi năm. Hai phần ba số nạn nhân vấn nạn buôn người sống ở Đông Á và Thái Bình Dương, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Các nước Đông Nam Á là nơi diễn ra hoạt động buôn bán người và là mục tiêu của các hoạt động buôn bán toàn cầu. Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) ước tính, 51% nạn nhân ở Đông Nam Á là phụ nữ và gần 1/3 là trẻ em.
Điểm đáng chú ý là các hoạt động lừa đảo trực tuyến đang làm thay đổi hồ sơ của nạn buôn người. Nếu các vụ việc trong quá khứ thường liên quan đến những cá nhân có cơ hội tiếp cận giáo dục hạn chế và làm công việc lương thấp để dễ dàng lừa đảo, thì hiện nay các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến thường có trình độ học vấn cao hơn và biết sử dụng các thiết bị điện tử. Các hoạt động xuyên biên giới được hỗ trợ bởi mạng internet đã khiến cuộc chiến chống buôn người trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Tháng 6/2023, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phát cảnh báo về tình trạng hàng nghìn người bị lừa tới các hang ổ phạm tội qua hình thức mời chào “việc nhẹ, lương cao” ở Đông Nam Á.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, tại Việt Nam tình trạng mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các băng nhóm buôn người nếu như trước đây các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng các trang mạng xã hội để “bẫy con mồi”, sau đó lần lượt đưa họ đi qua từng mắt xích của đường dây đã được hình thành, hoạt động trơn tru từ trước. Một số phương thức, thủ đoạn bọn buôn người thường sử dụng như: kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; lập các nhóm kín “nhận con nuôi, mang thai hộ”; tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”…
Năm 2023, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã nỗ lực để công nhận việc lạm dụng công nghệ trong buôn bán người là một thách thức an ninh khu vực và đã đi đầu trong việc thông qua “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ” tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 9/2023. Để thúc đẩy hợp tác khu vực về an ninh mạng, Trung tâm Thông tin và An ninh mạng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng đã chính thức được khai trương vào tháng 7/2023...
Mới đây nhất ngày 22/7/2024, trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày Quốc tế chống nạn buôn người (30/7) Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia, các tổ chức và công ty công nghệ tăng cường các nỗ lực bảo vệ trẻ em trước nạn buôn người. Theo người đứng đầu LHQ, trẻ em chiếm 1/3 số nạn nhân của buôn người, cũng như phải đối mặt với tình trạng lạm dụng kinh hoàng, như bị ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp. Tình trạng bất bình đẳng gia tăng và toàn cầu hóa là nguyên nhân hình thành các mạng lưới buôn người tinh vi thách thức các khuôn khổ pháp lý truyền thống, tạo ra các hình thái nô lệ kiểu mới; các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em dễ bị lạm dụng tình dục, bị bạo lực giới và tạo sơ hở để những kẻ buôn người nhắm tới các nạn nhân ở nước khác. Tổng Thư ký Guterres kêu gọi Chính phủ các nước, xã hội dân sự và khu vực tư nhân, trong đó có các công ty công nghệ, tăng cường các nỗ lực và hợp tác để không có trẻ em nào trở thành nạn nhân và không có kẻ buôn người nào thoát khỏi sự trừng phạt.
Thiết lập khuôn khổ pháp lý trong môi trường số
Mặc dù công nghệ làm trầm trọng thêm vấn nạn buôn người nhưng ở một khía cạnh khác chính điều đó cũng cho thấy được sự hợp tác dễ dàng được mở rộng hơn khi khoảng cách địa lý không còn là vấn đề. Quan hệ đối tác với khu vực tư nhân mang lại hiệu quả trên một số lĩnh vực. Chính các nhà cung cấp tư nhân đã và đang được khuyến khích tham gia hoạt động tuyên truyền chống buôn bán người mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay, thông qua các nền tảng mạng xã hội cung cấp kiến thức cho người dùng mạng xã hội cũng như kiểm tra tính xác thực và gắn cảnh báo các quảng cáo tuyển dụng dễ gây hiểu lầm.
Vấn đề này cũng đã được đề cập tới tại Hội thảo “Phụ nữ, hòa bình và an ninh mạng - Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng” do Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Hội Phụ nữ Bộ Công an và Văn phòng Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức ngày 22/7.
Bà Gaelle Demolis - chuyên gia chương trình và chính sách quản trị, hòa bình và an ninh Văn phòng UN Women khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, những thách thức đang ngày càng gia tăng trong quá trình hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ hiện nay. Tội phạm mạng, tấn công mạng, quấy rối và bạo lực trên mạng đã và đang gây ra những mối đe dọa thường xuyên đối với các cá nhân, tổ chức và thậm chí cả tới nền hòa bình và sự phát triển ổn định của các quốc gia. Nhu cầu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, trước những vấn đề an ninh đó cũng ngày càng trở nên cấp bách và đòi hỏi khắt khe hơn.
Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hoạt động của các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng và bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi… Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng trong nhiều năm qua luôn ở mức cao. Việt Nam giống như nhiều quốc gia khác, đã và đang triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm nỗ lực giải quyết những nguy cơ, thách thức trong thời đại kỹ thuật số. Trong đó, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý trong môi trường số. Các khung pháp lý này không chỉ nhằm giảm thiểu các mối đe dọa trên không gian mạng, tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà còn chú trọng về bảo vệ an ninh cá nhân, quyền riêng tư cho người dùng không gian mạng.
Hiện Việt Nam có 72 triệu người dùng Facebook và 74 triệu người dùng Google. Đi kèm với đó là tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô, trong đó có nhiều hiểm họa nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, với nỗ lực mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác và chung tay cùng cộng đồng quốc tế thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực để phòng, chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; bảo vệ các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng.