• :
  • :

Lấp lỗ hổng kỹ năng

“Em xem có trung tâm nào dạy kỹ năng sống chất lượng, giới thiệu cho chị với. Đọc thông tin về mấy học sinh mới lớp 3 đã phải nhập viện vì hút thuốc lá điện tử, chị sợ quá!”. Chắc hẳn cũng không ít phụ huynh có chung suy nghĩ như chị bạn tôi.

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2020, có 8,35% học sinh từ lớp 8 đến 12 hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005. Đây là con số đáng báo động bởi tốc độ "trẻ hóa" tăng chóng mặt. Thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, gây ảo giác, nôn, choáng, làm giảm lượng máu, gây nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ và các bệnh về phổi.

Mặt hàng này tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi mililit. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trường hợp học sinh vào viện cấp cứu trong tình trạng kích thích ảo giác, nôn ói, suy hô hấp vì sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng.

Ảnh minh họa: Báo Dân trí

Thuốc lá điện tử chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ xấu từ xã hội có thể ảnh hưởng đến học sinh. Tình trạng chất kích thích như chất ma túy tràn vào trường học qua bánh kẹo, nước giải khát, sữa đang là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Trong khi đó lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý, hay tò mò, dễ bị dụ dỗ, dễ kích động và thích học theo người lớn như một cách để khẳng định bản thân. Vì thế, các em không chỉ cần trang bị kiến thức sách vở mà còn cần trang bị kiến thức xã hội, kỹ năng sống, thậm chí rèn bản lĩnh sống.

Sau vụ việc 8 học sinh lớp 3 nhập viện vì thuốc lá điện tử gây xôn xao dư luận, nhiều phụ huynh giật mình nhận ra họ mới chỉ quan tâm điểm số học tập. Nhiều gia đình cho con đi học hết lớp học thêm này đến lớp chọn khác mà quên đi lớp kỹ năng sống.

Lấp lỗ hổng kỹ năng cho học sinh càng sớm càng tốt, bởi có sức khỏe cả thể chất và tinh thần vẫn là quan trọng nhất, sau đó mới đến học hành. Nhưng trang bị kỹ năng sống không phải là cứ cho con đến các trung tâm như cách nghĩ của chị bạn tôi mà trước hết phải là sự phối hợp tuyên truyền, giáo dục, sát sao từ cả gia đình và nhà trường. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

THÁI BÌNH

Lượt xem: 12
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết