• :
  • :

Tận dụng cơ hội của "dân số vàng": Cần hành động nhanh, thực chất

Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", nhưng trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển.

Do đó, để phát huy được lợi thế của thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", cần nâng cao được chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thời cơ và thách thức

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ năm 2007, và theo dự báo, giai đoạn "dân số vàng" của nước ta sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038, đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Dân số nước ta hiện nay là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á, thứ 3 cộng đồng ASEAN.

 Thanh niên Việt Nam phát triển cả về trí lực và thể chất, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Ảnh: TUẤN HUY

Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Tuy nhiên, hiện chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước.

Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Các chuyên gia nhận định, chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do đó, chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia, được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng", thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

 PGS, TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám và trao quà tặng bà mẹ và trẻ em xã Ma Thì Hồ (Mường Chà, Điện Biên). Ảnh: NA LÊ

Theo ý kiến của TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, tại Việt Nam, cơ cấu "dân số vàng" mới chỉ mang lại cơ hội về số lượng lao động chứ chưa mang lại ngay kết quả cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, theo ý kiến của Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, để cơ cấu "dân số vàng" thực sự tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Do vậy, nâng cao chất lượng dân số phải là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng, quốc gia và được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.

Đã 5 năm nhưng có bộ, ngành vẫn chưa chuẩn bị xong đề án 

Theo GS, TS Nguyễn Đình Cử (nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện nay, công tác dân số không còn bó hẹp trong khuôn khổ kế hoạch hóa gia đình như xưa mà đã chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển.

“Một số tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21. Nhiều địa phương đã thực hiện được nhiều mục tiêu dân số. Tuy nhiên, sự quan tâm chưa đồng đều. Đã 5 năm nhưng có bộ, ngành vẫn chưa chuẩn bị xong đề án do Chính phủ phân công. Tổ chức bộ máy không thống nhất, do đó việc đầu tư cho công tác dân số cũng rất khác nhau. Đôi khi, tình trạng dân số tương tự nhưng tỉnh giàu lại đầu tư ít, tỉnh nghèo lại đầu tư nhiều. Tình trạng đó chứng tỏ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đã nhận thức về chuyển trọng tâm của chính sách dân số nhưng chưa đồng đều, chưa sâu sắc. Điều này chắc chắn dẫn đến kết quả của công tác dân số ở mỗi địa phương sẽ khác nhau. Nếu không nâng cao nhận thức đúng với chính sách dân số mới, nhiều địa phương sẽ không thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 21 đề ra”, GS, TS Nguyễn Đình Cử nhận định.

 Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám bệnh cho trẻ em xã Ma Thì Hồ (Mường Chà, Điện Biên). Ảnh: NA LÊ

Năm 2022, chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) là: “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Để hiện thực được chủ đề này, ông Phạm Vũ Hoàng cho rằng, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình như: Tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh; truyền thông để giảm thiểu hôn nhân cận huyết, tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi...

Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 huyện, xã. Từ mô hình này đã giúp phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, giúp sinh ra trẻ khỏe mạnh, bình thường.

Mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao nhận thức, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn cho rất nhiều thanh niên; đồng thời truyền thông giảm thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại nhiều địa bàn “nóng” về tình trạng này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hủ tục.

Có thể nói, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Vấn đề dân số không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đó là vấn đề của 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm sau hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, để công tác dân số thực sự hiệu quả, trước hết chúng ta phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Tuy nhiên, điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy công tác dân số chỉ là giảm sinh, là kế hoạch hóa gia đình mà hàng chục năm qua đã "ăn sâu" trong tâm trí người dân và cán bộ quản lý.

Thậm chí, trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Để thay đổi một vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân, từng gia đình, từng dòng họ và từng cán bộ quản lý, giải pháp then chốt, đi trước là đẩy mạnh truyền thông, vận động về dân số và phát triển. Khi chúng ta thống nhất được nhận thức, đổi mới được tư duy, chúng ta sẽ tạo ra được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, từ đó sẽ có những giải pháp để huy động đủ nguồn lực thực hiện thành công công tác dân số trong tình hình mới.

HÀ VŨ