• :
  • :

Để có vùng lúa chuyên canh 1 triệu héc-ta chất lượng cao

Chỉ trong vòng một tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp tổ chức hai sự kiện quan trọng liên quan đến sản xuất lúa chất lượng cao.

Cụ thể, tại Đồng Tháp đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup lần 1-năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”. Ngay sau đó, tại Kiên Giang cũng diễn ra hội thảo góp ý hoàn thiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nội dung của những hội nghị trên đều hướng đến việc nâng cao giá trị và sản xuất bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL nằm trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn 

ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, những năm gần đây sản lượng lúa của vùng đạt khoảng 24-25 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2010-2021, diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng sản lượng không giảm và có mức gia tăng đáng kể. Vụ đông xuân ở ĐBSCL năng suất lúa đạt hơn 7tấn/ha, cao nhất trong khu vực ASEAN và trong tốp đầu của thế giới.

Tuy nhiên, muốn duy trì năng suất lúa lâu dài, không suy giảm, cần chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa sang hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Chính vì vậy, các nhà khoa học cũng như lãnh đạo các địa phương cùng nhau thảo luận đưa ra các giải pháp tăng giá trị sản xuất lúa từ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời tổ chức sắp xếp lại sản xuất và bảo đảm công bằng xã hội, quan tâm đến hộ nghèo...

Sở dĩ phải tìm ra những giải pháp mới, có tính bền vững, đó là sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn một số hạn chế như: Sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tăng trưởng chưa bền vững, gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ; chưa hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn được đầu tư bài bản, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đạt chứng nhận các tiêu chuẩn bền vững...

Muốn có nền nông nghiệp bền vững, theo các chuyên gia thì đầu tiên phải sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới; áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính; vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Để xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 1 triệu héc-ta chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới rất cần sự tham gia, liên kết hợp tác của chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL, các bộ, ngành Trung ương, viện trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện, bảo đảm đủ nguồn lực về khoa học, kỹ thuật và vốn đầu tư nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất và làm giàu từ sản xuất lúa gạo.

NGUYỄN BÁ

Tags: lúa