• :
  • :

Hiểm họa từ ma túy tổng hợp núp bóng “thực phẩm lạ”

Thời gian gần đây có nhiều vụ ngộ độc ma túy liên quan đến thuốc lá điện tử hay một số thực phẩm mua trôi nổi trên mạng, qua các hàng quán không rõ nguồn gốc dấy lên sự lo lắng trong nhân dân. Vấn đề đặt ra, để đảm bảo sức khỏe, bên cạnh việc không nên sử dụng thuốc lá điện tử hãy nâng cao ý thức cảnh giác với các loại thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Cần sa trong đồ ăn, bánh kẹo

Các bệnh viện gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc ma túy có trong thực phẩm và thuốc lá điện tử. Điển hình, tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa qua đã tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân (56 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc sau khi ăn nhầm bỏng ngô có tẩm cần sa. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân ăn 2 miếng bỏng ngô do con đặt mua trên mạng. Khoảng 1 tiếng sau ăn thì xuất hiện hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.

Hiểm họa từ ma túy tổng hợp núp bóng “thực phẩm lạ”
Nữ bệnh nhân bị hôn mê sau khi dùng thuốc lá điện tử có chứa ma tuý tổng hợp.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ với báo chí: Bệnh nhân trên nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC - một chất chính có trong cần sa. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.

Giám đốc Trung tâm chống độc lưu ý, hiện có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống. Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Trường hợp bệnh nhân 56 tuổi kể trên là lần đầu tiên phát hiện ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô.

Bác sĩ Trung Nguyên cũng nhấn mạnh: Cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, do kẻ xấu thay đổi và tạo mới hằng ngày và thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp. Cần sa tổng hợp là nhóm lớn gồm hàng trăm hóa chất, là các loại ma túy cực mạnh thế hệ mới, liên tục biến đổi, nên việc xét nghiệm phát hiện các chất này vô cùng khó khăn. Độc tính của mỗi hóa chất cần sa tổng hợp khác nhau và ngộ độc mỗi chất lại là một loại bệnh hoàn toàn mới.

Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương gan, suy thận, tổn thương não. Nguyên nhân được xác định là ngộ độc chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử. Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân được đánh giá biểu hiện tổn thương gần giống như ca đột quỵ não nhưng nặng hơn rất nhiều. Nếu đột quỵ não chỉ gây tổn thương nhỏ ở một số vị trí thì ở trường hợp này là tổn thương gần như toàn bộ não.

Trước nhập viện, bệnh nhân này có hút thuốc lá điện tử khi đi chơi với bạn bè. Sau khi hút, bệnh nhân bất tỉnh, được bạn đưa đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm do Viện Pháp y quốc gia thực hiện đối với mẫu dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút đã tìm thấy chất ADB-Butinaca. Theo cơ quan chức năng, chất ADB-Butinaca gây ảo giác tương tự các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp.

Cần sự sát sao của các bậc phụ huynh

Không chỉ tại Bệnh viện Bạch Mai, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma tuý tổng hợp. Các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử.

Theo đó, bệnh nhi 5 tuổi có tiền sử khỏe mạnh, sau khi tình cờ nhặt được và uống khoảng 5 ml dung dịch màu vàng trong lọ thủy tinh của thuốc lá điện tử, 15 phút sau đó người nhà phát hiện trẻ co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức cháu được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tuy nhiên, các triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ khác biệt, không phù hợp tình trạng ngộ độc do nicotine - chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử. Do đó các bác sĩ tiếp tục xét nghiệm mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu, dung dịch trẻ uống, kết quả dương tính với loại ma túy tổng hợp mới là ADB-Butinaca.

Mặc dù tình trạng ban đầu trẻ bị tổn thương thần kinh nặng đến mức co giật, hôn mê, suy hô hấp nhưng sau thời gian điều trị tích cực hai ngày, cháu bé đã may mắn hồi phục tỉnh lại và đang được tiếp tục theo dõi các biến chứng lâu dài. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa cho biết, đây là trường hợp thứ hai trong thời gian gần đây Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị trẻ bị ngộ độc liên quan đến thuốc lá điện tử. "Vấn đề đáng chú ý là dụng cụ thuốc lá điện tử không chứa nicotine thông thường mà lại là vỏ bọc ngụy trang của người lớn sử dụng ma túy tổng hợp", bác sĩ Xoay nói.

Theo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới bao gồm: 1eP-lds, 2-Fma, 4F-Abutinaca.... Các chất ma túy này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.

Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc do uống hoặc nuốt dung dịch sử dụng thuốc lá điện tử. Theo bác sĩ Xoay, thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. "Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong", bác sĩ Xoay cho hay.

Vì vậy, các bác sĩ nhấn mạnh, các gia đình cần cẩn trọng cả với những sản phẩm bao bì ghi không chứa nicotine nhưng thực chất chúng vẫn có. Ngoài ra trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin... Đây là các hoá chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi. Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của thuốc lá điện tử có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng. Thuốc lá điện tử được sản xuất với rất nhiều hình dạng và kích cỡ, hoặc chúng được sản xuất giống thuốc lá thông thường, xì gà, hoặc ống hút, hoặc gần giống vật dụng hàng ngày gây tò mò và hấp dẫn người sử dụng…

Chính vì các tai nạn gần đây của người dân, nhất là trẻ em liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt là ngộ độc các chất ma tuý mới, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc con. Không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử./.

Minh Khuê
Lượt xem: 16
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...