• :
  • :

Đánh giá năng lực sở, ngành để cải thiện môi trường đầu tư

UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức triển khai đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2023 để làm cơ sở cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.

Điểm mới của đợt khảo sát, đánh giá DDCI năm nay là bên cạnh đánh giá xếp hạng theo các tiêu chí, bộ chỉ số còn có các báo cáo phân tích của 28 chuyên gia trong và ngoài nước nhằm có cái nhìn chuyên sâu, toàn diện nhất, bảo đảm tính thực chất, độc lập. Dự kiến có khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia mẫu khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của sở, ban, ngành, địa phương. Kết quả khảo sát DDCI dự kiến công bố vào cuối tháng 2-2024 và được xem là cơ sở để nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Nhiều chuyên gia cho rằng, năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành, địa phương là một trong những công cụ khách quan giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định lựa chọn thành phố thay vì các địa phương khác. Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài rất hoan nghênh việc TP Hồ Chí Minh tổ chức đánh giá DDCI. AmCham đã lập ra 15 hội đồng để cho các ý kiến và đề xuất, với nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể, như hội đồng về thuế-hải quan, hội đồng pháp luật...

Để nâng cao hiệu quả DDCI, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu, cần phải nâng cao nhận thức, không chỉ trong đội ngũ cán bộ công chức, cơ quan mà còn trong cộng đồng doanh nghiệp, để tham gia nhiều hơn, có trách nhiệm hơn, sâu hơn vào quá trình đánh giá, không chỉ trả lời bảng câu hỏi mà còn tham gia góp ý, hiến kế, đề xuất cho các đơn vị được đánh giá. Công tác triển khai DDCI phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan; kết quả đánh giá phải được tổng hợp, phân tích mang tính khoa học và đánh giá một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, có trách nhiệm, bảo đảm đúng quy định. Sau khi có kết quả đánh giá DDCI, các sở, ban, ngành và địa phương cần làm rõ các điểm nghẽn, tập trung triển khai những giải pháp, mô hình, cách làm, mục tiêu cụ thể nhằm khắc phục hạn chế, giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

MINH NGÂN