Chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề 3: Ngành Sư phạm và Đào tạo giáo viên-Hướng nghiệp và nâng cao chất lượng nhân lực ngành Giáo dục
Ngày 16/6/2022, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp-Tuyển sinh năm 2022 với chủ đề 3: "Ngành Sư phạm và Đào tạo giáo viên-Hướng nghiệp và nâng cao chất lượng nhân lực ngành Giáo dục" .
Sinh viên sư phạm có việc làm ngày càng cao
Chương trình được phát trực tiếp tại điểm cầu chính Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương và kết nối với điểm cầu tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của các chuyên gia đến từ các đơn vị chức năng của Bộ GDĐT, hiệu trưởng một số trường Đại học sư phạm lớn trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT (Trung tâm MOET-TSC) cho biết: Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Trung tâm nhằm cung cấp cho thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay những thông tin bổ ích để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình.
Ông Bùi Văn Linh phát biểu khai mạc |
Mỗi diễn giả sẽ có những chia sẻ bổ ích ý nghĩa về phương thức và quy mô tuyển sinh các mã ngành Đào tạo giáo viên của trường mình, các ngành đào tạo mới tuyển sinh năm 2022, các chế độ chính sách liên quan cho sinh viên Sư phạm, bên cạnh việc áp dụng các quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ (Nghị định 116), các hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường.
Trong khuôn khổ chương trình, sau chia sẻ của các thầy, cô lãnh đạo các trường, các em học sinh và phụ huynh sẽ tương tác đặt các câu hỏi, đóng góp các nội dung để các nhà trường, các sở các trường đại học tổ chức tốt hơn các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh trong thời gian tới. Đặc biệt các em có thể đề xuất các vướng mắc khó khăn trong quá trình lựa chọn ngành học và trường học của mình trong giai đoạn vàng trước kỳ tuyển sinh 2022 tới đây.
Trong chương trình, ông Bùi Văn Linh đã cung cấp những thông về chương trình đào tạo, quy mô đào tạo và lĩnh vực đào tạo giáo viên trong các trường đại học Việt Nam. Theo đó, hiện nay lĩnh vực đào tạo khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có 3 nhóm ngành đào tạo là nhóm khoa học giáo dục (71401), nhóm đào tạo giáo viên (71402) và một số ngành mới.
Tiếp theo, ông Linh trao đổi về quy mô cơ cấu của các trường đại học hiện nay liên quan đến đào tạo giáo viên. Theo đó, cơ cấu số lượng thí sinh đăng kí vào trường sư phạm hằng năm chiếm số lượng lớn; các mã ngành Đào tạo giáo viên đều nằm trong 12 nhóm ngành đào tạo đại học có cơ cấu quy mô đào tạo lớn nhất hiện nay để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, chiếm 74% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp từ gần 250 trường đại học hằng năm của Việt Nam.
Cụ thể, quy mô đào tạo 3 năm vừa qua (2019, 2020, 2021) ghi nhận: 2019 có 44.076 chỉ tiêu, năm 2020 có 69.630 chỉ tiêu, 2021 có 50.687 chỉ tiêu đối với các mã ngành Đào tạo giáo viên. Với các chỉ tiêu này thì hệ thống các trường đại học sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên sẽ có trách nhiệm hướng dẫn tư vấn, tuyên truyền để các em học sinh trong toàn quốc đăng ký tham gia xét tuyển; còn năm 2022 theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT là rất lớn với trên 1.000.000 em; đây sẽ là nguồn tuyển dồi dào cho các đầu vào các trường đại học sư phạm trong toàn quốc...
Về tình hình việc làm của sinh viên sư phạm tốt nghiệp trong 5 năm vừa qua, Trung tâm tiếp nhận từ kkết quả khảo sát và báo cáo của gần 240 trường đại học toàn quốc; trong đó có nhóm đào tạo giáo viên đã có thống kê sơ bộ: Năm 2019, có 85% sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm có việc làm. Năm 2020 lên 87%. Năm 2021 lên 92%. Sự gia tăng tỉ lệ sinh có việc làm ngành sư phạm là tín hiệu tích cực để các em thí sinh 2022 có những thông tin tốt, bổ ích để tham khảo lựa chọn, tỷ lệ SVTN ngành sư phạm có việc làm luôn nằm trong nhóm các ngành có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp cao nhất...
Nhu cầu giáo viên là rất lớn
Cùng tại chương trình, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) đã cung cấp một số nội dung về quy mô nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cùng những yêu cầu năng lực phẩm chất nghiệp vụ sư phạm, chính sách phát triển nhà giáo nhằm giúp các em học sinh tiếp cận thông tin về nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng và chế độ chính sách đối với sinh viên sư phạm.
Hiện tại, tính đến năm học 2020-2021 tổng số giáo viên giảng viên cả nước là 1,2 triệu người. Trong đó cấp mầm non 337.000, tiểu học thiếu 378.000, THCS 284.000, THPT 143.000, giảng viên cao đẳng 37.000, giảng viên đại học 73.000. Qua khảo sát nhận thấy rằng việc sắp xếp bố trí đội ngũ giáo viên toàn quốc, có hiện tượng thừa thiếu cục bộ.
Theo Thông tư 16 của Bộ GDĐT quy định về mã số, số lượng vị trí việc làm của giáo viên mầm non phổ thông hiện tại, như vậy số giáo viên mầm non thiếu là 48.718 người. Cấp tiểu học số thiếu 20.210 người. THCS thiếu 15.162 người. THPT thiếu 11.133 người. Tổng số giáo viên thiếu của toàn quốc thời điểm hiện tại (tháng 6/2022) là 95.223 người. Nhu cầu đào tạo giáo viên tới đây để bù đắp số thiếu giáo viên này đối với các trường sư phạm trong thời gian tới là điều rất đáng quan tâm.
Dự báo đến năm 2025, khi chương trình GDPT 2018 được triển khai trong toàn quốc ở tất cả các cấp học sẽ phải bổ sung 24.013 giáo viên ở 3 môn học mới là Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học, môn nghệ thuật ở cấp THPT. Cụ thể Ngoại ngữ bổ sung 11.346 giáo viên. Tin học 7299 GV, môn nghệ thuật THPT cần bổ sung 5367 giáo viên. Đây là tính số thực tiễn, còn chưa kể số giáo viên nghỉ hưu, thay đổi vị trí công tác, số thiếu đó có thể tăng hơn.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng thông tin: Bộ GDĐT đã tham mưu với Chính phủ để ban hành Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cũng như chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học ngành sư phạm. Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng chính sách tiền lương mới theo Nghị định 27 của Chính phủ; trong đó quy định tiền lương sẽ hưởng theo vị trí việc làm. Khi GV ra trường công tác ở lĩnh vực nào, cấp học nào sẽ được hưởng lương theo vị trí việc làm ở cấp học đó…
Bộ GDĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm tăng cường liên kết với các Sở GDĐT để xác định nhu cầu giáo viên của từng địa phương trên; cơ sở đó các địa phương có thể đặt hàng đào tạo đối với các trường sư phạm. Khi đặt hàng đào tạo như vậy thì sinh viên ra trường chắc chắn sẽ có việc làm ngay. Bộ GDĐT cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu để dự báo số lượng GV về hưu hàng năm, số người chuyển công tác để khi giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm sẽ sát với nhu cầu đào tạo giáo viên hơn.
Tại chương trình, PGS.TS. Đào Đăng Phượng- Hiệu trưởng - Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương; PGS.TS Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; PGS.TS. Nguyễn Phúc Chỉnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên; TS. Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng đã thông tin đến các em học sinh về chương trình đào tạo, quy mô đào tạo của các nhà trường năm 2022 để các em sẽ có sự lựa chọn tốt nhất trước mùa tuyển sinh sắp tới…
Hiệu trưởng/lãnh đạo các trường thông tin về chương trình đào tạo |
Để cung cấp thông tin tuyển sinh các trường đại học đến học sinh trong toàn quốc, tới đây Trung tâm MOET-TSC sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề chuyên sâu trên hệ thống fanpage: https://www.facebook.com/hotrodaotaovacungungnhanluc và Youtube https://www.youtube.com/c/moet-tsc... Các thầy cô giáo, các em học sinh phổ thông chú ý quan tâm theo dõi…
Xem lại video của Chương trình tư vấn chủ đề 3 này tại đây:
https://www.youtube.com/watch?v=DBY1fpORWR4&t=986s
https://www.facebook.com/101638969014240/posts/pfbid0kkTgAPmgRzUjFta7Dnoj3uPVbLjE9ZqMtDWNuqohbkGFuVtc6Rd6C5CLFomHuSAol/?sfnsn=mo