• :
  • :

Không tùy tiện bôi bẩn đường phố

Vừa qua, hai toa tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bị xịt sơn, vẽ bậy.

Trong đó, phần thân và đầu toa tàu bị sơn nhiều màu, hình vẽ tương tự phong trào graffiti (vẽ tranh đường phố). Không chỉ có thế, tại TP Hồ Chí Minh và một số đô thị khác ở nước ta, tình trạng sơn, vẽ tùy tiện ở nơi công cộng và nhà dân đã gây nhiều bức xúc cho dư luận.

Hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đậu ở depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bị xịt sơn. Ảnh: phunuonline.com.vn

Trên thực tế, graffiti có thể được xem là nghệ thuật khi người họa sĩ đích thực mượn mảng tường của cơ quan hay nhà máy để chia sẻ về một thông điệp cuộc sống hoặc nghệ thuật và được phép của các cơ quan chức năng. Ở các nước phát triển, chính quyền cho phép nghệ sĩ graffiti được thể hiện các tác phẩm nghệ thuật ở một số nơi công cộng, để tôn thêm vẻ đẹp của phố phường hay khu dân cư. Ở nước ta, trào lưu graffiti cũng tự phát trong những năm gần đây. Thời gian qua, nhiều bạn trẻ, nhiều nhóm vẽ đã tạo nên những dấu ấn đẹp ở nhiều bức tường, nhiều khu phố và các nơi công cộng khác.

Sơn, vẽ đúng nơi, đúng chỗ bởi những họa sĩ có tâm, có tầm thì graffiti được coi là nghệ thuật, nhưng sơn, vẽ tùy tiện, không được phép của các cơ quan chức năng và nhà dân thì được cho là vẽ bậy. Hiện nay, đi đến tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Bá, Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức); Hoàng Sa, Trường Sa (quận 3)... của TP Hồ Chí Minh, chúng ta dễ bắt gặp những bức sơn chi chít, nét vẽ nguệch ngoạc hình mặt người, bàn tay trên những bức tường của công sở, bệnh viện, trường học, thành cầu hay trạm xe buýt. Thậm chí những người vô ý thức còn viết lên những hình thù, câu chữ phản cảm, tục tĩu. Nhiều người dân rất bức xúc khi bức tường, những tấm cửa sắt mới sơn sạch đẹp, chỉ sau một đêm đã chằng chịt nét vẽ với đủ các hình thù kỳ dị. Qua tìm hiểu các họa sĩ graffiti đích thực thì việc sơn, vẽ tùy tiện đa số là do những người đang tập vẽ và một số người trẻ thực hiện. 

Chúng ta đều biết, các bức tranh tường sẽ đẹp, được trân trọng khi chúng được vẽ bởi những họa sĩ giỏi và góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp của phố phường, thôn, xã, còn ngược lại sẽ chỉ là bôi bẩn môi trường. Ở nước ngoài, vẽ graffiti tùy tiện được coi là bất hợp pháp và bị xử phạt rất nghiêm. Trường hợp gây tổn hại lớn như sơn, vẽ bậy bạ ở đài tưởng niệm, địa danh lịch sử văn hóa, có thể bị phạt tù. Ở nước ta, việc vẽ, xịt sơn lên những công trình công cộng có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Tùy tính chất, hậu quả mà có thể xử lý về tội hủy hoại tài sản.

Để hoạt động graffiti trở thành nghệ thuật, các cấp, ngành cần đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, ý thức tôn trọng các công trình công cộng cho mọi người. Mặt khác, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng phải làm tốt việc giám sát, quản lý tài sản, bảo vệ an toàn ở những nơi công cộng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành động sơn, vẽ tùy tiện. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần có giải pháp để buộc những người có hành vi phá hoại phải bồi thường thỏa đáng khi sơn, vẽ tùy tiện lên những nơi không được phép. Có như vậy, tình trạng sơn, vẽ tùy tiện mới thuyên giảm, trả lại ý nghĩa đích thực cho graffiti.

LÊ PHI HÙNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 111
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết