• :
  • :

Cách làm hay khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở Mù Cang Chải

Trong những năm qua, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải-một huyện nghèo của tỉnh Yên Bái, phải đối diện với nhiều khó khăn như cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn thiếu... Để khắc phục những khó khăn đó, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của các trường mầm non trên địa bàn huyện.

Đến Trường Mầm non xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên đó là có một số người dân đang giúp các cô giáo chăm sóc các cháu nhỏ. Người rửa bát sau khi học sinh ăn xong bữa trưa, người phụ giúp trải thảm để các cháu ngủ... Đây là những phụ huynh học sinh tình nguyện đến phụ giúp nhà trường chăm sóc các em nhỏ. Nhanh tay trải các tấm thảm, bà Cứ Thị Nu, người dân tộc Mông, là bà nội của cháu Sùng A Chư cho chúng tôi biết: “Hôm nay đến phiên gia đình tôi phụ giúp các cô giáo, nhưng do bố mẹ cháu Chư có việc bận nên tôi đi thay. Công việc chủ yếu là giúp các cô nấu cơm, rửa bát, trải thảm cho các cháu ngủ và trông nom các cháu. Đến trường phụ giúp các cô, biết được con, cháu mình học tập, ăn nghỉ như thế nào, chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều”.

Bà Cứ Thị Nu phụ giúp các cô giáo Trường Mầm non xã Mồ Dề chuẩn bị cho các cháu ngủ trưa. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Trường Mầm non xã Mồ Dề có 5 điểm trường lẻ và một điểm trường chính. Điểm trường xa nhất cách trường chính 10km. Theo biên chế, nhà trường có 34 giáo viên đứng lớp, tuy nhiên hiện nay chỉ có 27 giáo viên, mới đây 3 cô đi tăng cường cho các trường khác, vì vậy nhà trường hiện thiếu 10 giáo viên. Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mồ Dề cho biết: “Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục huyện triển khai mô hình “Huy động tình nguyện viên”. Theo đó, tại những lớp thiếu giáo viên, hằng ngày phụ huynh sẽ luân phiên đến phụ giúp cô giáo chăm sóc các cháu. Ban đầu, khi mới thực hiện mô hình, cũng có nhiều phụ huynh do bận công việc nên không thích. Tuy nhiên, sau khi tham gia 1-2 lần thì rất ủng hộ, có khi chưa đến phiên mình đã đăng ký đến giúp nhà trường, bởi đến lớp thì các phụ huynh sẽ biết được con em mình học tập, sinh hoạt, ăn nghỉ như thế nào. Sự giúp đỡ của phụ huynh đã phần nào giảm tải áp lực về công việc cho nhà trường.

Trường Mầm non xã Chế Tạo cũng đang rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên đứng lớp. Như tại lớp 3-4 tuổi của điểm trường Chế Tạo có 32 học sinh, nhưng chỉ có 1 giáo viên. Biết được những khó khăn, vất vả của cô giáo, 32 phụ huynh đã tình nguyện luân phiên đến phụ giúp một số công việc như cho ăn và vệ sinh cho các cháu... Theo cô Sùng Thị Rú, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non xã Chế Tạo, việc hỗ trợ của phụ huynh đã giúp giảm bớt những khó khăn, vất vả của nhà trường trong tình cảnh thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, sau khi được chứng kiến điều kiện ăn, học của các cháu thì họ chính là những tuyên truyền viên vận động các phụ huynh khác đưa con em đến trường.

Thiếu giáo viên không chỉ là vấn đề của Trường Mầm non xã Mồ Dề hay Trường Mầm non xã Chế Tạo, mà hầu hết trường mầm non ở huyện Mù Cang Chải đều đang rơi vài tình trạng này. Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, năm học 2022-2023, cấp học mầm non của huyện có tổng số 15 trường (14 trường thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn), 55 điểm lẻ, 199 nhóm, lớp với tổng số 5.724 học sinh. Tính đến thời điểm tháng 2-2023, toàn huyện có 333 giáo viên. Căn cứ tỷ lệ giáo viên theo định mức 1,62 giáo viên/nhóm, lớp, thì toàn huyện còn thiếu 110 giáo viên. Vấn đề này đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên trong việc chăm sóc và tổ chức các hoạt động cho trẻ, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao cho trẻ.

Đứng trước bài toán thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội chỉ đạo các đơn vị trường mầm non triển khai mô hình “Huy động tình nguyện viên” hỗ trợ cho giáo dục mầm non. Theo đó, tại các lớp thiếu giáo viên, phụ huynh sẽ thay phiên hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ; giúp giáo viên quản lý trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động tập thể; hỗ trợ nấu ăn trưa cho trẻ tại các lớp, nhóm thiếu giáo viên đứng lớp... Tính đến nay, đã có 111 phụ huynh hỗ trợ 14 trường mầm non trong toàn huyện. Nhiều tình nguyện viên vừa hỗ trợ giáo viên thực hiện các hoạt động giáo dục, vừa hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng cho các cháu học sinh. Việc tình nguyên viên hỗ trợ các lớp thiếu giáo viên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn tạm thời về nguồn nhân lực cho các trường mầm non trên địa bàn huyện.

Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thị Vân, cán bộ phụ trách ngành học mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: “Được triển khai từ tháng 8-2022, mô hình “Huy động tình nguyện viên” đã phần nào giúp làm vơi bớt những khó khăn, vất vả cho các cô giáo tại những lớp thiếu giáo viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn như: Do các phụ huynh luân phiên thực hiện nên phải thường xuyên tiến hành kiểm tra sức khỏe những phụ huynh mới, vì vậy gây khó khăn trong việc bố trí nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe tại các điểm bản. Bên cạnh đó, do các tình nguyện viên chưa quen công việc nên giáo viên rất vất vả khi hướng dẫn”.

Việc huy động phụ huynh đến phụ giúp tại các trường, điểm trường mầm non thiếu giáo viên ở Mù Cang Chải chỉ là giải pháp tạm thời. Để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở cấp học mầm non, các cơ quan chức năng huyện Mù Cang Chải cũng như tỉnh Yên Bái cần có kế hoạch sớm bổ sung giáo viên cho các trường. Có như vậy mới giải quyết được bài toán thiếu giáo viên đã tồn tại ở Mù Cang Chải trong nhiều năm qua.

Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG