• :
  • :

Cơ hội học tập cho học sinh

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, năm học 2023-2024, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố là 72.000 trên tổng số hơn 129.200 thí sinh dự thi.

Như vậy, chỉ hơn một nửa (55,7%) học sinh có cơ hội học tập tại trường công lập, số còn lại, các em phải lựa chọn học tại các trường công lập tự chủ, trường tư thục hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên-những nơi mà hoặc học phí cao vượt quá khả năng của nhiều gia đình, hoặc không phù hợp với nguyện vọng.

Mặc dù chính quyền và ngành giáo dục đã nỗ lực bố trí thêm khoảng 1.000 chỉ tiêu vào trường công lập so với năm học trước, tuy nhiên, xét về tỷ lệ thì năm học 2023-2024, học sinh được vào trường THPT công lập trên địa bàn TP Hà Nội thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều này cho thấy tốc độ tăng trường lớp đang bị bỏ xa so với tốc độ tăng dân số trên địa bàn Hà Nội. Chỉ còn hơn một tháng nữa là các em học sinh bước vào kỳ thi lớp 10. Nhiều học sinh cho biết đã phải chịu áp lực rất lớn, phải học hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày để hy vọng có được một suất vào trường THPT công lập. Học sinh vất vả đã đành, phụ huynh cũng lo lắng, mệt mỏi không kém. Kỳ thi vào lớp 10 thực tế còn căng thẳng hơn kỳ thi tuyển sinh đại học...

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Điều đáng nói là tình trạng thiếu trường lớp không chỉ xảy ra với học sinh vào lớp 10, không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn là “bức tranh” chung đối với học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm, đông đảo người dân, cử tri quan tâm, bức xúc nhưng chưa được giải quyết, thậm chí ngày càng thêm trầm trọng. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên. Thực tế, ở không ít địa phương, vì những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, việc đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng trường lớp chưa được quan tâm triển khai đúng mức. Trường học ít được xây dựng, nhưng khu đô thị, chung cư cao tầng mọc lên như nấm sau mưa; tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng dân số cơ học thì phải nói là “khủng khiếp”.

Chẳng lẽ khi kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì cơ hội học tập của học sinh ở các thành phố, đô thị lớn lại càng bị thu hẹp? Đó thực sự là một nghịch lý. Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của giáo dục, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Bởi thế, không thể để tình trạng thiếu trường lớp mãi tiếp diễn, không thể chấp nhận việc quỹ đất để xây khu đô thị, sân golf... thì có, nhưng đất dành cho trường học lại thiếu; xây dựng chung cư cao tầng, khu đô thị, sân golf...  thì “thần tốc” nhưng xây trường học thì lại “rùa bò”... Để khắc phục tình trạng trên, có lẽ đã đến lúc phải dùng tới liều thuốc mạnh: Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, quy trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ giáo dục. Nếu ai không làm được thì kiên quyết cho “đứng sang một bên”...

PHƯƠNG HIỀN

Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết