• :
  • :

Triệt xoá nhiều đường dây bán bằng cấp giả, khởi tố hàng chục đối tượng

Tình trạng các ổ nhóm tội phạm ngang nhiên gửi tin nhắn, rao bán bằng cấp, giấy tờ giả trên các trang mạng, gây nhiễu loạn xã hội, làm ảnh hưởng lòng tin của Nhân dân. Trước vấn nạn này, mới đây, Công an huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) và Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã liên tục triệt xoá nhiều đường dây sản xuất, rao bán bằng cấp, chứng chỉ giả trên mạng xã hội Facebook, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Ngày 12/7, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Doãn Văn Dương (SN 1998, trú tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Bùi Văn Thái (SN 1995, trú tại xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”.

Doãn Văn Dương khai nhận, từ tháng 5/2023, anh ta lập trang Facebook “Thầy Thắng – Trung tâm sát hạch lái xe” để quảng cáo làm và bán giấy phép lái xe giả...

Doãn Văn Dương khai nhận, từ tháng 5/2023, anh ta lập trang Facebook “Thầy Thắng - Trung tâm sát hạch lái xe” để quảng cáo làm và bán giấy phép lái xe giả...

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an huyện Kiến Xương phát hiện Bùi Văn Thái có hành vi mua bán giấy phép lái xe giả trên mạng xã hội, thông qua Facebook “Thầy Thắng - Trung tâm sát hạch lái xe”. Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kiến Xương xác định Facebook “Thầy Thắng - Trung tâm sát hạch lái xe” là của Doãn Văn Dương.

Tại Cơ quan điều tra, Dương khai nhận, từ tháng 5/2023, anh ta lập trang Facebook “Thầy Thắng - Trung tâm sát hạch lái xe”, thường xuyên đăng bài quảng cáo làm giấy phép lái xe giả và rao bán; Ai có nhu cầu sẽ đặt hàng qua trang Facebook này. Sau đó, Dương nhận và thuê vận chuyển bằng cấp giả đến cho hàng.

Khám xét nơi ở của Dương, lực lượng chức năng thu giữ 1 cây máy tính, 6 điện thoại di động, 2 giấy phép lái xe giả và danh sách 2.870 đơn chuyển đi bằng hình thức ship cod (hình thức giao hàng thu tiền hay giao hàng thu hộ tiền). Hiện, Công an huyện Kiến Xương đang tiếp tục điều tra mở rộng án.

Trước đó, qua công tác trinh sát, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã phát hiện trên không gian mạng xuất hiện tình trạng hoạt động phạm tội mua bán bằng cấp, giấy tờ giả mạo cho nhiều người trên toàn quốc, thậm chí cả căn cước công dân (CCCD) cũng được rao bán với mức giá 2 triệu đồng.

Bước đầu xác định, đường dây này có nhiều đối tượng sinh sống tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cấu kết chặt chẽ với nhau để hoạt động phạm tội. Trong số đó, đối tượng thường xuyên đăng tải các bài quảng cáo lên mạng xã hội Facebook là Nguyễn Văn Giỏi (SN 1994) trú xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi thu thập thông tin, Công an TP Hà Tĩnh đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh, xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá. Nhiều tổ công tác được thành lập, nhanh chóng lên đường đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Nội để xác minh thông tin. Qua đó, xác định được những đối tượng liên quan đến đường dây phạm tội này gồm: Nguyễn Văn Giỏi, Phạm Văn Mạnh (SN 1982), Nguyễn Thị Hằng (SN 1985) cùng trú xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội và Phạm Văn Minh (SN 1993) trú xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Công an TP Hà Tĩnh bắt giữ các đối tượng trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức,

Công an TP Hà Tĩnh bắt giữ các đối tượng trong vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức,

Khám xét nơi ở của các đối tượng, Ban chuyên án đã thu giữ gần 2.000 con dấu giả mạo nhiều cơ quan, tổ chức trên cả nước; 1.900 phôi bằng trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, chứng chỉ; 4 bộ máy tính; 3 máy in màu; 1 máy khắc dấu, nhiều điện thoại di động cùng thẻ ngân hàng các loại.

Tại cơ quan công an, Phạm Văn Mạnh khai nhận, năm 2019, Mạnh lên mạng xã hội tìm hiểu, nghiên cứu cách thức làm giả các loại giấy tờ. Để thực hiện hành vi, Mạnh mua máy tính, máy in màu và các loại phôi bằng, chứng chỉ, sau đó đăng bài quảng cáo nhận làm giấy tờ giả, đồng thời tuyển cộng tác viên cùng tham gia.

Nguyễn Văn Giỏi đã liên lạc với Mạnh, nhận làm cộng tác viên tìm kiếm khách hàng có nhu cầu. Khi có khách liên hệ đặt mua các loại giấy tờ giả, các đối tượng yêu cầu cung cấp địa chỉ nhận hàng. Sau khi làm xong, Mạnh phân công Phạm Văn Minh đi gửi theo địa chỉ mà khách đã cung cấp. Còn tiền mua giấy tờ giả khách phải chuyển vào một tài khoản ngân hàng do Mạnh quản lý. Cơ quan điều tra ước tính, số tiền nhóm đối tượng thu lợi bất chính từ các phi vụ làm giấy tờ giả khoảng 6 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, Ban chuyên án đã từng bước làm rõ danh tính các đối tượng bán phôi bằng cho Mạnh là Lê Văn Bộ (SN 1987) trú xã Quang Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đáng chú ý, Bộ là đối tượng có tiền án về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Cơ quan công an đã thu giữ tại nhà Bộ 1 bộ máy tính, 228 phôi bằng, 2 điện thoại di động và nhiều tang vật khác có liên quan.

Căn cước công dân cũng bị các đối tượng làm giả

Căn cước công dân cũng bị các đối tượng làm giả

Cảnh sát thu giữ hàng chục con dấu giả trong nhà các đối tượng

Cảnh sát thu giữ hàng chục con dấu giả trong nhà các đối tượng

Từ lời khai của Bộ, Ban chuyên án xác định được một nhóm đối tượng mua bán phôi của Bộ đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh. Với quyết tâm đánh sập đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Công an TP Hà Tĩnh đã xác định được đối tượng Lê Hồng Tuyến (SN 1990) ở xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; Hiện trú xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần liên hệ với Bộ để mua số lượng phôi bằng rất lớn.

Ngày 11/5, Ban chuyên án tiến hành bắt giữ Tuyến cùng 6 đối tượng liên quan khi đang ẩn náu trong một căn hộ chung cư Phú Hoàng Anh trên địa bàn xã Phước Kiển. Khám xét tại hiện trường, công an thu giữ 80 bộ tài liệu giả đã hoàn thiện, 11 con dấu của các cơ quan, tổ chức, 6 bộ máy tính, 7 máy in màu, 1 máy scan, 1 máy ép plastic, 1 máy khắc dấu, hơn 6.000 phôi bằng, giấy tờ giả, 11 điện thoại di động và hơn 10 tài khoản ngân hàng các loại. Quá trình đấu tranh, Tuyến khai, từ năm 2021 đến nay, đối tượng cùng đồng bọn sản xuất các loại giấy tờ giả bán cho những người có nhu cầu, thu lợi bất chính 14,3 tỷ đồng.

Đến ngày 25/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 24 bị can, tạm giam 12 đối tượng, đồng thời tiếp tục đấu tranh, củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng về hành vi sản xuất giấy tờ giả.

Được biết, không chỉ có 2 vụ việc nêu trên, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các cục nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành triệt phá, bắt giữ nhiều băng nhóm làm giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả. Lãnh đạo Bộ Công an cũng đề xuất các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, phát hiện việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời nâng khung hình phạt với tội danh sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả.

Điều 341, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 2 đến 5 năm nếu thuộc các trường hợp sau đây: phạm tội có tổ chức; phạm tội hai lần trở lên; Làm từ hai đến năm con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu thuộc các trường hợp sau đây: làm sáu con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Lượt xem: 10
Tác giả: Thành Lộc