Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 24
Sáng 12-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 24.
Dự khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Về phía khách mời có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đây là 2 dự án đã được Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Dự kiến, 2 dự án sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ bảy.
Sau thời gian chuẩn bị, tại phiên họp này, 2 dự án được trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sớm để các cơ quan hữu quan, nhất là cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra có thời gian nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ sáu dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.
Quang cảnh phiên họp. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong giai đoạn 2019-2021, chúng ta đã thực hiện rất tốt công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Trên cơ sở thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả giám sát, Chính phủ đã tiếp thu nhiều nội dung, chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo nghị quyết.
Các đại biểu dự phiên họp. |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tại phiên họp này, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết sẽ có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030.
Nhấn mạnh rằng đây cũng là mong muốn của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Quốc hội dẫn ý kiến của cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng về nội dung này cũng như giải trình của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng với cử tri. Theo đó, không phải chờ đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết thì các cơ quan hữu quan mới tiến hành các nội dung công việc. Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị kế hoạch để sẵn sàng triển khai thực hiện khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ hồ sơ, xem xét thông qua nghị quyết để kịp thời thể chế hóa 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị; Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022 của Ban chấp hành Trưng ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. |
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho cho ý kiến đối với kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Đoàn giám sát cũng đã làm việc, chuẩn bị báo cáo rất công phu. Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội đã nghe và cho ý kiến 2 lần. Đây là lần cho ý kiến chính thức đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nội dung này. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ làm việc chính thức với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chính thức tại Phiên họp thường kỳ tháng 8 tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về công tác dân nguyện; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27-9-2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, 10 năm qua, cả tình hình thực tiễn cũng như pháp luật đã có nhiều thay đổi, nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. |
Sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành kết luận, cho chủ trương sửa đổi hay không sửa đổi nghị quyết; nếu sửa thì sửa theo hướng nào, phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra…
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ năm, cho ý kiến bước đầu việc chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân sau hoạt động tiếp xúc cử tri và ý kiến phản ánh của cử tri, nhân dân gửi về, Tổng thư ký Quốc hội đã xây dựng Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ năm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá về những kết quả đạt được, những đổi mới và hiệu quả tại kỳ họp cũng như những nội dung cần rút kinh nghiệm…
Trong công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu cho ý kiến về những nội dung lớn mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; khắc phục cho được tình trạng gửi tài liệu, hồ sơ đến đại biểu Quốc hội chậm…
CHIẾN THẮNG