• :
  • :

Thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng Việt

Sáng 11/3, báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”.

Sử dụng thẻ tín dụng nội địa chưa tương xứng với tiềm năng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập báo Lao Động cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phổ cập chính toàn diện ở Việt Nam là hai trong số những trọng tâm mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Theo ông Hiển, suốt 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm, chi tiêu.

Sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành như một mũi tên trúng hai đích: Vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ giải ngân tín dụng. Thẻ tín dụng nội địa được thiết kế riêng để phù hợp với thị trường Việt Nam và có ưu đãi tương tự như thẻ quốc tế.

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen và sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn trong mua sắm, chi tiêu. Tính đến ngày 30/6/2021, số lượng thẻ phát hành mới tăng 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ đạt 224.163 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Vì thế, sự ra đời của thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành đáp ứng được nhu cầu lớn từ thị trường đồng thời được coi là kênh tiếp cận tín dụng chính thức từ ngân hàng, tổ chức tài chính. Thẻ tín dụng nội địa cũng được coi là bước đầu tiên trong xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán.

Thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng Việt

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập báo Lao Động phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: LĐ)

Thực tế đã chứng minh việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế. Một mặt vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài, mặt khác thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.

Tuy nhiên, cho đến nay số lượng khách hàng biết và sử dụng thẻ tín dụng nội địa còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam.

Bài toán đặt ra lúc này là làm cách nào để người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, và phổ cập tài chính toàn diện, chuyển đổi số theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước? Đây cũng chính là mục tiêu để báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và NAPAS tổ chức hội thảo: “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”.

Lợi ích của thẻ tín dụng nội địa

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019).

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến ngày 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Ông Lê Văn Tuyên cho rằng thời gian qua, các tổ chức phát hành thẻ đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng.

Nỗ lực này của tổ chức phát hành thẻ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ, chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng Việt

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cũng điểm qua một số lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng.

Về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, còn rất nhiều người dân sống, làm việc ở vùng nông thôn, có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ và có nhu cầu tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân như chi trả sinh hoạt hàng ngày, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền, thanh toán mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điển tử trong nước, đóng bảo hiểm… nhưng họ chưa được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hữu ích này. Đây là phân khúc khách hàng, sản phẩm rất tiềm năng cho các tổ chức phát hành thẻ khai phá.

Ông Tuyên nhận thấy một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Có thể kể ra như: Thủ tục mở thẻ đơn giản, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày và được chấp nhận thanh toán trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tổ chức phát hành thẻ.

Qua đó, khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Thứ hai, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

"Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển. Hiện tất cả các tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng", ông Tuyên nhận định.

Theo ông Tuyên, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần có thêm sản phẩm, dịch vụ mới, là công cụ quảng bá, tiếp cận hiệu quả cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc trung bình có nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản nhưng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ.

Vừa qua, một số tổ chức phát hành thẻ đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ (Contact và Contactless Dual - Card), thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện (trả tiền xe buýt điện và Metro trong tương lai…) đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới.

Thứ ba, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoăc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…). Đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Thứ tư, phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

Góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen

Là định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam, ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết trong suốt những năm qua, nhà băng này tự hào đã tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả trong đẩy mạnh triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân không chỉ địa bàn đô thị mà cả khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với bình quân 3 ATM/huyện.

Thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng Việt

Ông Tô Đình Tơn - Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội thảo (Ảnh: LĐ)

Trăn trở trước thực trạng tín dụng đen và chia sẻ khó khăn với người dân, đặc biệt là bà con nông dân và tầng lớp yếu thế trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ tài chính vi mô, từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường này kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện.

Từ đó người dân có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Như thanh toán điện, nước, điện thoại, chuyển học phí cho con em cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là nhu cầu thanh toán đầu vào vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu...) với hạn mức thấu chi lên đến 30 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng…

Theo ông Tơn, Agribank rất quan tâm đến đầu tư, trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân.

"Việc triển khai đề án có vai trò và ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Từ đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn", đại diện lãnh đạo Agribank chia sẻ.

Cũng theo ông Tơn, đến nay dù thời gian triển khai chưa dài nhưng đề án đã đạt được những kết quả quan trọng với hơn 430.000 thẻ được phát hành, trên 2.500 tỷ đồng hạn mức thấu chi được cấp và trên 5.000 thiết bị POS được lắp đặt, nâng tổng số thiết bị POS tại địa bàn nông nghiệp nông thôn lên gần 15.000 thiết bị. Kết quả được khách hàng, lãnh đạo các ban ngành địa phương, các chi nhánh trong toàn hệ thống Agribank ủng hộ và đánh giá cao.

Các cơ quan báo chí quan tâm đưa tin, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó hiệu ứng được lan toả tích cực trong đời sống xã hội của người dân, khẳng định vai trò của Agribank trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu lành mạnh hóa thị trường tín dụng vi mô, hạn chế, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Mang tới tiện ích thanh toán thông minh, linh hoạt

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân tăng, mức sống đang dần được cải thiện. Việt Nam lại là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi đi làm, thu nhập ổn định, rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa.

Thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng Việt

Quang cảnh hội thảo

Với mục tiêu mang tới cho khách hàng giải pháp tài chính linh hoạt chi tiêu trong nước, hạn chế tín dụng đen, VietinBank mở rộng chính sách cấp tín dụng thẻ tín dụng nội địa đảm bảo phù hợp với mọi phân khúc khách hàng, bao gồm cả phát hành thẻ thẻ tín dụng nội địa tín chấp và có tài sản bảo đảm, dành cho cả các đối tượng thu nhập thấp, chi lương hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, khách hàng có quan hệ tiền gửi, tiền vay…

Bắt kịp xu thế số hóa đối với sản phẩm thẻ với đặc thù hàm lượng công nghệ cao, khách hàng có thể dễ dàng phát hành thẻ online qua ứng dụng VietinBank iPay hoặc phát hành trực tiếp tại quầy, hồ sơ bao gồm giấy đề nghị phát hành thẻ và thông tin giấy tờ tùy thân, các giấy tờ chứng minh thu nhập (nếu cần).

Theo ông Khoa, trong thời gian qua, VietinBank đã tiên phong gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng, gọi là đại tiệc phí, như phí thường niên, phí tin nhắn khi sử dụng ngân hàng cũng miễn cho khách hàng.

Đây là một trong những áp lực rất lớn về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, để phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, chúng tôi cũng chấp nhận đầu tư. Bây giờ khách hàng không phải ra quầy, điền đơn này kia thì sắp tới chúng tôi sẽ thực hiện tất cả trên online.

"Với kinh nghiệm của chúng tôi, việc rất quan trọng là phải phát triển được hạ tầng chấp nhận thanh toán tốt, triệt để, mang lại tiện ích tối đa cho khách hàng. Chúng tôi đã làm mới lại toàn diện các dòng thẻ của mình. Động lực của chúng tôi là thẻ quốc tế làm được cái gì thì thẻ Việt Nam cũng làm được cái đó. Từ công nghệ mới lạ đến thiết kế sành điệu", ông Khoa chia sẻ.

Thời gia qua, VietinBank đã chung tay cùng Napas phát triển những dòng thẻ nội địa, thì thấy rằng chi phí tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Chi phí hợp lý như vậy, nên chi phí dành cho chủ thẻ cũng rất hấp dẫn.

"Chúng tôi miễn rất nhiều chi phí cho chủ thẻ. Chất lượng dịch vụ khi triển khai với các công ty chuyển mạch trong nước như napas cũng rất tốt. Bởi vì khi hợp tác với các công ty nước ngoài thì các ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối, mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ổn định được", ông Khoa cho biết.

Ông Phạm Đăng Khoa chia sẻ một nghịch lý là khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, chúng ta sẽ phải trả những chi phí rất lớn cho thẻ tín dụng quốc tế. Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí. Các ngân hàng Việt Nam đang phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. Chủ thẻ cũng phải trả rất nhiều phí cho các tổ chức thẻ.

"Rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ của Việt Nam cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải. Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa", ông Khoa đặt vấn đề.

Lượt xem: 281
Tác giả: Hậu Lộc
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...